Áp lực tăng giá hàng hoá, dịch vụ
Từ 15 giờ chiều 1/3, giá xăng đã tiến sát 27.000 đồng/ lít, ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước kể từ giữa tháng 12/2021 đến nay. So với cuối tháng 12/2021, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 4.030 đồng; E5 RON92 là 3.990 đồng, dầu diesel đắt hơn 3.980 đồng; dầu hoả 3.650 đồng và dầu mazut thêm 2.720 đồng.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, được sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.
Anh Huy Hưng (ngõ 392 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Chạy 'xe ôm' lâu năm, chưa bao giờ tôi thấy vất vả như hiện nay. Nếu như cuối năm 2021, chi phí đổ đầy bình xăng xe máy hết 105.000 đồng thì nay là 125.000 đồng, trong khi đó giá cước không dám tăng vì lượng khách giảm tới 70 – 80%. Dịch bệnh bùng phát, tiết trời rét kéo dài, nay giá xăng dầu ‘leo thang’, ít khách, hàng hóa tăng giá, nên đời sống của chúng tôi khó khăn hơn”.
Trong lĩnh vực logistics, ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty Quốc tế Delta cho biết: “Trong vận tải đường bộ, 40% cước phí là chi phí nhiên liệu. Theo tính toán đến ngày 21/2, cơ cấu chi phí của doanh nghiệp đã tăng lên trên 18%, tức là cước vận tải bị đội lên trên 7%. Trong khi không thể thay đổi được giá của những hợp đồng ký kết trước đó và có thay đổi cũng không thể làm nhanh nên doanh nghiệp chấp nhận lỗ”. “Điều lo lắng nhất hiện nay của chúng tôi là nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng thì dễ xảy ra lạm phát, sẽ tác động tới mọi cá nhân và doanh nghiệp, không chừa một ai”, ông Nghĩa cho hay.
Từ đầu năm 2021 đến nay, mức giá xăng dầu tăng đã đạt gần 50% và có thể vẫn sẽ tăng theo tình hình thế giới. Việc giá xăng dầu trong thời gian ngắn tăng 13% đang ảnh hưởng rất mạnh đến các doanh nghiệp vận tải vì sẽ phải điều chỉnh cước vận tải lên khoảng 10%, còn chi phí vận tải đường bộ ước tính sẽ bị đội lên từ 4 - 5%.
Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết: “Dịch COVID-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thu nhập, ngại việc và bỏ việc. Chắc chắn taxi sẽ phải tăng giá cước, nhưng tăng vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần nghiên cứu và đánh giá tình hình”.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể hồi phục, riêng vận tải hành khách đường bộ chỉ hoạt động 30% công suất, nếu không tăng giá cước, người lao động không có thu nhập và sẽ nghỉ việc, nhưng tăng giá cước sẽ ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. “Nghị quyết 128/CP đã chỉ đạo cần thích ứng với tình hình mới kiểm soát dịch bệnh, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì chỉ giảm 30%”, ông Nguyễn Công Hùng đề xuất.
Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2022.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tính CPI trong tháng 2/2022 có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Theo đó, tăng cao nhất là chỉ số giá nhóm giao thông tăng 2,35%. Nguyên nhân giá xăng, dầu tăng 5,8% làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm do ảnh hưởng của đợt tăng giá ngày 21/1, 11/2 và 21/2. Bên cạnh đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% do một số đơn vị kinh doanh tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh phải hạn chế chở số lượng khách.
“Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bình quân hai tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3%, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lạm phát hai tháng đầu năm 2022 được kiểm soát ở mức phù hợp”, Vụ trưởng Thống kê tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê - TCTK, bà Đỗ Thị Bích Ngọc nhận định.
Tìm cách hạ nhiệt giá xăng, dầu
Hiện nay, mỗi lít xăng A95 đang “gánh” 4.000 đồng thuế bảo vệ mội trường (BVMT), với xăng E5 là 3.800 đồng/lít và dầu diesel là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Không chỉ vậy, xăng còn chịu nhiều loại thuế khác như: Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng A95 là 10%; xăng E5 là 8%; thuế nhập khẩu 8%… Mỗi lít xăng còn gánh lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh định mức… Nếu tính bình quân thì trong mỗi lít xăng, thuế và phí hiện chiếm khoảng 42 - 43%, còn dầu 21 - 27%. Điều này đồng nghĩa với 1 lít xăng A95 giá hơn 26.300 đồng, người mua phải chịu 11.000 - 11.300 đồng thuế, phí.
Trước tình hình hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với mặt hàng xăng, dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng TCTK, để kiểm soát tốt lạm phát năm 2022, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp như: Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính tự chủ của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương):
Ít nhất trong tháng 3/2022, giá xăng, dầu vẫn tiếp tục tăng nhẹ và giữ ở mức cao, sau đó giảm nhưng không xuống quá thấp do giá xăng, dầu thế giới sẽ dần ổn định. Còn ở trong nước, sự cố ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ sớm được giải quyết, hoạt động sản xuất sẽ phục hồi 100% công suất, nên áp lực tăng giá sẽ giảm xuống.
Mặc dù là quốc gia có cả hoạt động khai thác lẫn lọc hóa dầu, nhưng giá dầu tăng và giữ ở mức cao sẽ tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống tiêu dùng của người dân cũng bị tác động tiêu cực khi giá xăng, dầu tăng liên tục và giữ ở mức cao vì xăng, dầu tác động rất lớn lên lạm phát. Thu nhập của người dân đã bị giảm liên tục kể từ năm 2020, nếu không kiểm soát được lạm phát thì đời sống bị giảm xuống, tiêu dùng giảm tác động ngay đến hoạt động cả sản xuất lẫn kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính:
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực, tái cấu trúc hoạt động để giảm được chi phí thấp nhất. Đối với các hoạt động vận tải, phải tính toán khoa học để sử dụng được cả hai chiều.
Thêm vào đó, cần thảo luận lại với đối tác để ký kết lại các hợp đồng khi giá xăng dầu đang tăng rất cao. Các doanh nghiệp, đối tác cũng cần nêu cao tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Nhà nước nên hỗ trợ việc giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Đối với các khoản thuế môi trường và các thuế khác sẽ rất khó giảm được, nhưng có thể xem xét giảm chi phí khác trong vận tải như kiểm định, các chi phí khi xe lăn bánh trên đường hoặc có thể hỗ trợ các chi phí về cầu đường đối với hoạt động vận tải…