Đây là khu công nghiệp hóa chất lớn nhất của Việt Nam và cũng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kinh phí được cấp từ nguồn thu đóng góp khai thác khoáng sản để đầu tư hạ tầng giao thông và khắc phục môi trường ngân sách tỉnh năm 2021.
Trước đó, ngày 18/11, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức khảo sát tình hình di chuyển dân cư ra khỏi khu vực ô nhiễm tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Theo rà soát, thực hiện Quyết định 4074/QĐ-UBND ngày 3/12/2019 của UBND tỉnh Lào Cai, có 97 hộ dân đủ điều kiện thu hồi đất, di chuyển nhà ra khỏi khu vực ô nhiễm trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Tỉnh Lào Cai đã giao trách nhiệm cho 15 doanh nghiệp trong khu vực Khu công nghiệp Tằng Loỏng hỗ trợ kinh phí là 114,669 tỷ đồng để di chuyển các hộ dân. Đến nay, huyện Bảo Thắng đã phê duyệt phương án bồi thường và chi trả cho các hộ thuộc diện di dời tổng số 39,055 tỷ đồng, trong đó số tiền chi trả vượt mức 14,996 tỷ đồng đã đóng góp của các nhà máy, doanh nghiệp được ngân sách huyện Bảo Thắng tạm ứng trước.
Khu công nghiệp Tằng Loỏng có tổng diện tích 1.100 ha, đã thu hút được 33 dự án đầu tư và hiện có 26 dự án sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim đi vào hoạt động. Các dự án được triển khai trong khu công nghiệp góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đồng thời hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, trong đó có ô nhiễm khí thải, nước thải, chất thải rắn, khói bụi, tiếng ồn… đang tác động trực tiếp đến môi trường sống, sản xuất của nhiều hộ quanh khu vực.
Qua đánh giá khả năng chịu tải của môi trường ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng giữa Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai và Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tổng lượng phát sinh khí thải từ các ống khói của các nhà máy trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng khoảng 1,7 triệu m3/giờ (thành phần chính gồm SO2, CO, NO2). Lượng phát sinh nước thải gần 4,6 nghìn m3/ngày đêm; lượng phát sinh chất thải rắn gần 305 nghìn tấn/tháng (trong đó có hơn 304 nghìn tấn chất thải rắn, hơn 30 tấn chất thải nguy hại). Đặc biệt, do chưa thực hiện triệt để việc xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn từ các nhà máy tại khu công nghiệp nên nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép và ở mức ô nhiễm nặng.