Ô nhiễm môi trường liên tục tái diễn
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam là chủ đầu tư Nhà máy Chế biến Graphite tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên và mỏ khai thác quặng Graphit tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên. Graphite hay còn gọi là than chì, khá độc hại, được ứng dụng trong chế tạo các điện cực của đèn hồ quang, điện cực của pin, ắc quy, sản xuất thép, vật liệu composite, vật liệu chịu lửa.. Do đó, quá trình chế biến Graphite cần phải được xử lý tốt để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Ngay từ khi đi vào hoạt động thử nghiệm từ năm 2016, Công ty Graphit Việt Nam đã bị người dân các thôn Nhân Nghĩa, Làng Qua và Phố Hóp thuộc xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) phản đối dữ dội. Những cuộc thanh tra, kiểm tra các cấp kéo dài từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019 đã cho ra nhiều văn bản kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là sai phạm về bảo vệ môi trường.
Điển hình tại Kết luận kiểm tra số 50/KL-STNMT ngày 26/9/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã xác định rõ sai phạm của Công ty Graphite Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp... Đặc biệt sai phạm do sự cố vỡ đập chứa bùn thải của nhà máy đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân sinh sống khu vực hạ lưu.
Theo Kết luận này, Công ty Graphite Việt Nam đã bị xử phạt 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong thời hạn 1 tháng và phải khắc phục hậu quả do làm ô nhiễm hồ thủy lợi Nhân Nghĩa và nguồn nước sạch sinh hoạt. Thế nhưng đến nay, mỗi khi Nhà máy chế biến Graphite hoạt động trở lại, ô nhiễm môi trường lại tái diễn. Không khí bị ô nhiễm và nước đầu nguồn vẫn chưa sử dụng được, khiến người dân ngày càng thêm lo lắng.
Ông Phạm Văn Thịnh, đại diện cho người dân sống tại thôn Nhân Nghĩa cho biết: Sau một thời gian nhà máy ngừng hoạt động, cuộc sống của người dân dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 - 3 tháng, mặc dù nhà máy không nghiền quặng nữa nhưng mỗi khi họ sấy quặng, tình trạng ô nhiễm không khí lại tái diễn. Mùi khét nồng nặc lại bốc lên, nhất là vào những lúc mưa xuống hay nắng lên, gia đình ông phải đi sơ tán, khi nào hết mùi mới có thể trở về nhà.
Sống sát bờ hồ Nhân Nghĩa, gia đình bà Nguyễn Thị Huế bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố vỡ đập bùn thải tràn vào hồ Nhân Nghĩa từ năm 2017, đến nay vẫn chưa thể khắc phục hết ô nhiễm nguồn nước, thiệt hại năng nề về kinh tế do nước hồ vẫn chưa thể nuôi trồng thủy sản.
Bức xúc trước môi trường bị ô nhiễm lại tái diễn, bà Huế nói: Gần đây, nhà máy hoạt động, nước hồ lại dần chuyển sang màu xanh đen như năm 2019. Nhiều bụi cỏ gần cống nước thải bị chết khô. Không khí thường xuyên xuất hiện lại mùi khét gây khó thở. Người dân đã kiến nghị nhiều lần và hằng ngày mong mỏi sự giải quyết dứt điểm của chính quyền để cuộc sống của họ bớt khổ.
Mong sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng
Thực tế cho thấy, môi trường nơi đây liên tục bị ô nhiễm mỗi khi Nhà máy Chế biến Graphite hoạt động trở lại, các chất xả thải ra môi trường chưa được xử lý theo tiêu chuẩn, dẫn tới nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu bị ô nhiễm đến mức không thể sử dụng được. Ô nhiễm không khí cũng tới mức báo động, mùi khét nồng nặc. Nhiều triệu chứng khó thở, tức ngực đã ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh hô hấp của người dân dần hiện hữu.
Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng thôn Nhân Nghĩa, xã Báo Đáp cho biết, trước đây người dân chấp hành sự chỉ đạo từ cấp trên nhường đất để xây dựng nhà máy và cũng tin vào lời hứa của doanh nghiệp không làm ô nhiễm môi trường. Thực tế đến nay, hậu quả ô nhiễm môi trường lại chính người dân phải hứng chịu. Mặc dù rất bức xúc nhưng bà con chỉ biết chờ đợi phương án giải quyết từ chính quyền và các cơ quan chức năng.
Đề cập tới việc Nhà máy chế biến Graphit gây ô nhiễm môi trường do người dân phản ánh, ông Vi Việt Trung, Bí thư Đảng ủy xã Báo Đáp cho rằng, đây đang là vấn đề rất nóng của địa phương. Cử tri luôn chất vấn, kiến nghị trong các kỳ họp từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, vấn đề đó vượt quá thẩm quyền và chức năng của chính quyền cấp xã.
Ông Trung cho biết thêm, xã Báo Đáp đã kiến nghị và mong muốn có sự vào cuộc thật sự từ cơ quan chuyên môn và cấp có thẩm quyền để buộc doanh nghiệp phải xử lý chất thải, xả thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn quy định, nhất là thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ quy trình và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường của nhà máy, không để tình trạng ô nhiễm kéo dài thêm.
Việc Nhà máy chế biến Graphit tái diễn nhiều lần gây ô nhiễm môi trường đã rõ. Người dân xã Báo Đáp mong chờ các giải pháp hiệu quả, có hiệu lực từ cấp có thẩm quyền của tỉnh Yên Bái để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Đồng thời, Công ty Graphit Việt Nam cần có biện pháp xử lý triệt để nguồn nước đang bị ô nhiễm, cam kết việc xả thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn quy định.