Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ kể từ khi Chính phủ có Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Hội thi nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống, khơi dậy các tiềm năng về các sản phẩm thủ công nghệ của Việt Nam cũng như tiềm năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi.
Sau 2 tháng phát động, Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 đã nhận được 330 sản phẩm của 170 nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ trong cả nước với nhiều nhóm hàng khác nhau như đan lát, gốm sứ, thêu dệt, sơn mài - khảm trai, trạm khắc gỗ...
Hội thi năm nay đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã thiết kết và chất liệu chế tác. Những sản phẩm tham gia Hội thi đều là những tác phẩm xuất sắc, lần đầu dự thi và có giá trị thẩm mỹ, mang giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, thân thiện với môi trường và có giá trị kinh tế.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, các phẩm phẩm thủ công mỹ nghệ đã phát huy được giá trị văn hóa, ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam, không chỉ ở tầm trong nước và quốc tế. Nhiều tổ quốc tế đánh giá cao các phẩm phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, đây không chỉ là sản phẩm mà còn là tác phẩm. Do đó, Ban Tổ chức đã mời các chuyên gia, đại diện các hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước, giảng viên ở các trường đại học… làm Ban giám khảo. Hi vọng Ban Giám khảo sẽ có những đánh giá khách quan, đánh giá được ý tưởng sáng tạo, trí tuệ của các nghệ nhân trong các sản phẩm để trao giải, tạo điều kiện cho các sản phẩm đó phát triển trong thời gian tới.
Sau khi tiếp nhận sản phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã phân loại, sắp xếp, trưng bày các sản phẩm, gắn mã số cho từng sản phẩm, đảm bảo tính khách quan, bảo mật về tên tác giả, nhóm tác giả trong quá trình chấm trước khi chuyển cho Hội đồng Giám khảo chấm điểm.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Hội thi cho biết, Hội đồng Giám khảo sẽ chấm thi từ ngày 2-4/11/2020. Các tác phẩm đạt giải sẽ được trao giải thưởng ngày 5/11/2020, trong khuôn khổ hội chợ “Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020, Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020”.
Hiện nay, cả nước có trên 1.950 làng nghề, nghề truyền thống với hàng ngàn nghệ nhân, thợ giỏi đang hoạt động, sáng tạo để thu hút lao động, tạo ra giá trị mới cho xã hội nhưng mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ giải quyết lao động mà đã trở thành một ngành kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ngành nghề nông thôn có doanh thu trên 230.000 tỷ đồng, thu hút nhiều lao động, nhất là lao động nhàn rỗi; đồng thời tạo ra giá trị, đặc biệt là giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 2,3 tỷ USD, với mức tăng trưởng khoảng 10%/năm.
Để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thời gian tới cần phát huy tay nghề của các nghệ nhân qua việc đào tạo nghề. Việt Nam cũng có nguồn nguyên liệu lớn, đây là tiền đề để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.