Theo đó, chuyến tàu chở container hàng mỹ phẩm xuất khẩu sang Việt Nam được xuất phát từ ga Vosrino ngoại ô Moscow và đi qua các cửa khẩu Zabailkalsk - Mãn Châu Lý tại biên giới Nga - Trung và cửa khẩu Bằng Tường - Đồng Đăng (Lạng Sơn) tại biên giới Trung - Việt.
RATRACO vừa tổ chức lễ đón chuyến tàu đầu tiên chở container tuyến Moscow (Nga) - Hà Nội. Ảnh: bnews.vn |
Thời gian vận chuyển của chuyến hàng là 23 ngày, bao gồm cả thời gian làm thủ tục chuyển tiếp tại các cửa khẩu. Đây là mức thời gian thích hợp cho các nhà nhập khẩu, xuất khẩu tại hai nước, chỉ bằng một nửa so với loại hình vận chuyển đường biển và cước phí rẻ hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường hàng không.
Ông Viacheslav Kharinov, Trưởng đại diện thương mại thuộc Cơ quan Đại diện Thương mại Liên Bang Nga tại Việt Nam đánh giá đây là cột mốc trong hoạt động giao thương của hai nước. Dịch vụ vận tải container bằng đường sắt sẽ giúp hàng hóa hai nước lưu thông được nhanh chóng, thuận tiện hơn góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Tuyến vận chuyển này đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty Đường sắt Liên bang Nga lập kế hoạch từ giữa năm 2017. Đại diện cho Đường sắt Nga là Công ty Logistics Đường sắt Nga RZD cùng với Công ty cổ phần vận tải và Thương mại Đường sắt (RATRACO) đại diện tại Việt Nam.
Hai bên đã giải quyết các vấn đề về kỹ thuật vận chuyển, khai báo hải quan, thanh toán và quản lý vỏ container để tổ chức khai thác tuyến vận chuyển mới này.
Chuyến tàu đầu tiên được hai bên đánh giá có điều kiện vận chuyển tốt, thời gian vận chuyển và làm thủ tục hải quan tại các điểm giao tiếp biên giới nhanh gọn, thông thoáng.
Bên cạnh đó, hai bên đã rà soát một số điểm để cắt giảm thời gian chờ đợi, làm thủ tục để đạt được mục tiêu tổng thời gian vận chuyển từ Moscow về đến Hà nội chỉ còn 18 ngày.
Trong thời gian vừa qua Đường sắt Việt Nam liên tục mở các chuyến tàu container liên vận quốc tế từ Trung Quốc về Việt Nam như Nam Xương - Yên Viên, Nam Ninh - Yên Viên, Quảng Châu - Yên Viên đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua lại ngày một tăng giữa hai nước.
Theo Công ty RATRACO, đơn vị tổ chức các chuyến tàu trên, trong thời gian tới công ty tiếp tục mở thêm các tuyến mới từ Thanh Đảo, Thạnh Long, Vũ Hán… về Việt Nam và ngược lại. Đặc biệt, RATRACO đã đang thử nghiệm một số chuyến chở container đến Thành Đô để nối vào các đoàn tàu đi đến các điểm ở châu Âu như Duisburg (Đức), Malaszewicze (Ba Lan).
Đại diện của RATRACO cho biết thêm, hiện công ty đang nhận được rất nhiều yêu cầu vận chuyển của khách hàng để đưa hàng Việt Nam xuất khẩu đi các địa phương trong lãnh thổ Trung Quốc và các nước châu Âu, Nga…