Làm giàu từ nuôi cá thuộc nhóm 'ngũ quý'

Tận dụng lợi thế có dòng sông Lô chảy qua địa bàn, những năm qua, người dân xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đầu tư nuôi cá lồng đặc sản.

Loài cá được lựa chọn nuôi chủ yếu là cá Chiên. Với giá thành cao, trung bình từ 450.000 - 500.000 đồng/kg cá, loại cá này giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Các hộ nuôi cá lồng ở Tuyên Quang thăm quan Hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa.

Thôn Ba Luồng là thôn có nhiều hộ nuôi cá lồng đặc sản nhất xã Thái Hòa, được nghe câu chuyện của các hộ nuôi nơi đây mới hiểu được phần nào tại sao loại cá trên lại “thịnh” ở vùng đất này đến vậy.

Bắt đầu câu chuyện của mình bằng ký ức về những ngày đầu đưa loại cá về nuôi tại thôn, ông Trần Văn Vân, Trưởng thôn Ba Luồng kể lại, người dân thôn Ba Luồng nuôi cá lồng từ năm 2006. Nhưng vài năm trở lại đây, nghề này mới thực sự phát triển. Thôn Ba Luồng hiện có 80 hộ dân; trong đó, 16 hộ nuôi cá lồng đặc sản với 96 lồng cá, chủ yếu là cá Chiên. Loại cá này có giá thành cao giúp nhiều hộ dân nâng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Một trong những hộ nuôi thành công loại cá này phải kể đến anh Vũ Tuấn Công, thôn Ba Luồng. Bằng chất giọng chân chất của người vùng cao, anh Công chia sẻ, cách đây 4 năm, thấy nhiều gia đình trong thôn nuôi cá lồng đạt hiệu quả kinh tế cao, gia đình quyết định chọn nuôi cá lồng để phát triển kinh tế.

So với nhiều loại vật nuôi khác, nuôi cá lồng đặc biệt là nuôi cá Chiên đặc sản mang lại liệu quả kinh tế cao hơn. Bởi cá Chiên được xếp vào nhóm cá “ngũ quý” (cá Chiên, cá Lăng, cá Rầm xanh, cá Anh vũ, cá Bỗng). Gia đình hiện có 4 lồng nuôi cá Chiên, với giá trên thị trường dao động 450.000 - 500.000 đồng/kg và mỗi lồng cá thu khoảng 50 - 60 triệu đồng. Thu nhập từ nuôi cá lồng giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn và sắm thêm được nhiều đồ dùng.

Bật mí về bí quyết nuôi thành công loại cá này, anh Công cho biết, nuôi cá lồng có nhiều ưu điểm: Tận dụng được diện tích mặt nước tự nhiên, vật liệu làm lồng cá dễ kiếm, dễ làm, kỹ thuật nuôi đơn giản. Ở thôn Ba Luồng, hộ có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa, hộ ít vốn thì tận dụng cây tre hoặc ống nhựa để làm lồng. Mỗi lồng có thể thả khoảng 100 con cá Chiên. Mỗi lứa nuôi từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg thì có thể xuất bán.

Cũng là một trong những hộ nuôi cá Chiên lâu năm ở Ba Luồng, anh Đàm Ngọc Văn, cũng nuôi 3 lồng và mỗi năm thu khoảng 130 triệu đồng. Anh Văn cho biết, thức ăn cho cá Chiên là các loại cá tạp. Vì vậy, để đảm bảo nguồn thức ăn cho cá gia đình, các hộ nuôi cá Chiên ở thôn Ba Luồng đều thu mua cá tạp được đánh bắt từ lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Đặc tính của cá Chiên là ăn mạnh và lớn mạnh về mùa nóng, ấm nên vào mùa nóng thì cho cá ăn 2 ngày/lần, mùa đông chỉ cần cho ăn 1 tuần/lần.

Anh Văn cũng cho biết thêm, nuôi cá lồng dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng gặp không ít rủi ro từ thiên nhiên như dông lốc, lũ quét, nuôi mật độ cao dễ bị bệnh lây lan nhanh… Vì vậy, để nuôi cá đạt hiệu quả cao, người nuôi phải lựa chọn con giống có nguồn gốc xuất xứ; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, điều kiện môi trường trong và ngoài lồng nuôi. Việc vệ sinh lồng nuôi để loại bỏ rong rêu thường xuyên được thực hiện nhằm loại bỏ nguy cơ gây bệnh cho cá.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, anh Văn giải thích cụ thể cách vệ sinh. Cách từ 1 - 2 tháng phải kiểm tra, phân loại cá để có biện pháp chăm sóc phù hợp, đối với cá bé phải nghiền nhỏ thức ăn trước khi cho ăn. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho cá đảm bảo là nguồn tươi sống từ tự nhiên; không cho cá ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn mang mầm bệnh; điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý và ghi nhật ký hàng ngày để theo dõi mức độ tăng trưởng, phát hiện sớm bệnh trên con cá…

Một số lồng nuôi cá đặc sản ở Thái Hòa.

Ông Ngô Minh Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa cho biết, xã Thái Hòa có sông Lô chảy qua địa bàn với chiều dài 9 km. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, người dân trên địa bàn phát triển nuôi cá lồng đặc sản trên sông. Toàn xã có 35 hộ nuôi cá lồng với 135 lồng cá, tập trung chủ yếu ở 5 thôn Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long. Nuôi cá lồng giúp các hộ dân nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Để khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng, năm 2016, Hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa được thành lập. Hiện sản phẩm cá Chiên của Hợp tác xã được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP). Xã Thái Hòa chọn xây dựng thương hiệu cá Chiên Thái Hòa là sản phẩm thủy sản mũi nhọn của địa phương.

Thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ người nuôi cá lồng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, việc tuyên truyền, vận động hộ nuôi nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường, vận động người dân thay đổi tư duy theo hướng sản xuất hàng hóa… Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Bải & ảnh: Vũ Quang Đán (TTXVN)
Phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng tái định cư
Phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng tái định cư

Để ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới, ngoài những chính sách hỗ trợ sau tái định cư của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái ở xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã tìm được một hướng phát triển kinh tế mới, đó là nghề nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN