Xã miền núi Châu Hóa có diện tích sản xuất lúa nước rất ít, chỉ có hơn 236 ha trong tổng diện tích gieo trồng 473 ha. Nhưng nghề nuôi cá lồng ở đây đã thu hút nhiều hộ dân tham gia bởi lợi nhuận kinh tế cao trong khi chi phí bỏ ra không quá lớn. Hiện tại, Châu Hóa là xã có số lượng nuôi cá lồng lớn nhất ở huyện Tuyên Hóa với gần 100 lồng của hơn 50 hộ gia đình.
Người dân cho cá diêu hồng ăn tại một lồng bè. Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN |
Vợ chồng anh Hồ Thanh Tuấn, xã Châu Hóa có hai lồng cá hơn 200 con. Hai vợ chồng hy vọng việc nuôi cá lồng sẽ giúp gia đình thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn và ổn định cuộc sống. Anh Tuấn cho biết, mỗi vụ cá, gia đình thu được khoảng từ 30 - 50 triệu đồng. Trước mắt, với nghề nuôi cá lồng sẽ giúp vợ chồng anh có công việc ổn định và dần dần nâng cao điều kiện kinh tế.
Với diện tích khoảng 20 m2, mỗi lồng có thể thả khoảng 200 con cá giống. Sau thời gian nuôi khoảng trên 2 năm, khi trọng lượng cá lên đến 6 - 7 kg/con (cá trắm cỏ, cá mè...) thì người nuôi có thể thu hoạch, với mức giá bình quân khoảng 80.000-100.000 đồng/kg.
Ông Hồ Văn Cấn, ở xã Châu Hóa năm nay đã gần 80 tuổi là một trong những người đầu tiên trong vùng nuôi cá lồng trên sông. Ông Hồ Văn Cấn cho biết, chi phí đầu tư cho một lồng cá khoảng 10 triệu đồng, khoảng 2 năm thì cho thu hoạch. Tuy nhiên, khi có lũ lụt thì dễ bị trôi bè và người dân có thể trắng tay. Nghề nuôi cá lồng cũng dựa phần lớn vào điều kiện tự nhiên, nên rủi ro cũng rất lớn. Có khi cá không hợp nước sông Gianh cũng chết hàng loạt.
Những năm trước đây, huyện Tuyên Hóa chỉ có khoảng 20 hộ nuôi cá lồng dọc sông Gianh, nhưng đến nay mô hình nuôi cá lồng đã phát triển rầm rộ lên con số hàng trăm hộ nuôi. Những hộ nuôi cá lồng, theo tính toán so với nuôi lợn, trâu, bò thì cá lồng dễ nuôi và chi phí ít hơn, hiệu quả kinh tế lại lớn nên nhiều hộ gia đình đã có thu nhập chính từ nghề nuôi cá lồng. Một lứa cá lồng thu được khoảng 2 - 3 tạ cá, bán với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi được 30 - 50 triệu đồng.
Theo ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, vì thiếu đất canh tác và nghề nghiệp của người dân không ổn định đời sống, nên người dân Châu Hóa gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nghề nuôi cá lồng của bà con phát triển tương đối tốt, nên đời sống người dân ổn định hơn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng còn nhiều khó khăn như môi trường ngày càng ô nhiễm, cá giống và đầu ra...
Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tuyên Hóa mong muốn phát triển mô hình nuôi cá chình lồng trên sông Gianh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay bà con gặp phải là hoàn toàn bị động về nguồn cá giống, bởi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện chưa có cơ sở nào sản xuất con giống của loại cá như cá Chình, cá Trắm, cá Chép.... Ông Cấn chia sẻ thêm, cá Chình có năng suất và giá thành cao nhưng nếu muốn nuôi loại cá này, người dân chỉ có thể mua gom lại từ việc khai thác trong tự nhiên. Điều này dẫn đến kích cỡ cá thường không đồng đều, khi nuôi dễ xảy ra tình trạng cá lớn cắn cá bé. Nếu chọn cá giống khai thác theo kiểu thả câu thì độ rủi ro trong khi nuôi là rất cao.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, UBND huyện Tuyên Hóa đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lấy tăng trưởng kinh tế làm thước đo cho bình xét danh hiệu thi đua, đánh giá chất lượng công tác. Với việc tận dụng diện tích mặt nước trên sông, cùng với mô hình nuôi cá lồng trên sông phát triển không những trong xã Châu Hóa mà còn phát triển mạnh trong toàn huyện Tuyên Hóa. Nhiều xã dọc ven sông Gianh đã ổn định kinh tế và thoát nghèo với mô hình nuôi cá lồng trên sông.