Theo ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trước đó, Lâm Đồng mới được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 1 mã vùng trồng sầu riêng và 2 cơ sở cấp mã số đóng gói. Việc phê duyệt các mã số vùng trồng sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm sầu riêng Lâm Đồng được xuất khẩu ra nước ngoài theo đường chính ngạch.
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 23/2/2023 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng sầu riêng tại Việt Nam; trong đó, 3 tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng và Tiền Giang được cấp nhiều mã vùng trồng nhất.
Như vậy, đến nay Việt Nam hiện có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc. Trước đó, ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lần đầu tiên phê duyệt 51 mã số vùng trồng và 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường nước này.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có tổng diện tích sầu riêng khoảng 14.432 ha; trong đó 8.894 ha trồng xen với các loại cây công nghiệp và 5.538 ha chuyên canh. Trong số đó, diện tích sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh khoảng 7.000 ha với các giống ghép chủ yếu là MonThong, Ri6, Dona..., đạt tổng sản lượng khoảng gần 100.000 tấn/năm. Những vùng trồng sầu riêng tập trung phần lớn diện tích tại các huyện Đạ Huoai với 4.345 ha, Di Linh có 3.693 ha, Bảo Lâm 2.544 ha, Đạ Tẻh 1.625 ha…
Trong các vùng trồng sầu riêng thì huyện Đạ Huoai được xem là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng và đây cũng là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa có loại cây trồng nào thay thế được. Từ năm 2016, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận công nhận nhãn hiệu độc quyền thương hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”. Từ nhiều năm qua, địa phương này đã vận động nông dân sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng, đồng thời hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP…