Tạo sinh kế lâu dài
Lai Châu là tỉnh có diện tích cao su lớn nhất trong khu vực Tây Bắc. Hiện toàn tỉnh có 3 công ty cao su (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đang quản lý trên 13.000 ha diện tích cao su đại điền, trong đó có khoảng 10.000 ha đã đưa vào khai thác mủ. Để duy việc trì việc chăm sóc và khai thác mủ, các công ty cao su đã tuyển dụng hơn 2.500 lao động người địa phương vào làm công nhân cao su tại các nông trường, đa số những công nhân này đều là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tới xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) phần lớn diện tích đất trống, đồi trọc trước đây nay đã được phủ kín bởi màu xanh tươi tốt của những cây cao su. Chăn Nưa được ví là "thủ phủ" cao su khu vực sông Nậm Na, với hơn 1.700ha. Toàn xã có 6 bản, với gần 800 hộ gia đình sinh sống; trong đó có hơn 200 người dân xin vào làm công nhân cho các nông trường cao su. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cao su, mà thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã tăng lên 32 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới đa chiều còn 12%.
Ghé thăm Nông trường cao su Nậm Na, thuộc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II, chúng tôi thấy không khí lao động hăng say, nề nếp của các công nhân. Từ bỏ thói quen làm nông nghiệp tự do, người dân Chăn Nưa đã quen với giờ giấc quy củ khi vào làm công nhân cao su. Với công việc hàng ngày là chăm sóc, cạo mủ đã đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Hơn 10 năm làm công nhân tại Nông trường cao su Nậm Na, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II, đến nay vợ chồng chị Giàng Thị Dua, dân tộc Mông ở bản Tà Cù Nhè, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ có cuộc sống ổn định, khá giả nhờ cây cao su. Chị Dua phấn khởi nói, trước đây cuộc sống gia đình rất vất vả, hai vợ chồng quanh năm suốt tháng làm nương, làm ruộng cũng chỉ đủ ăn cho cả nhà. Có lúc cả tháng hai vợ chồng không có đồng nào để chi tiêu và bữa đói bữa no. Năm 2011, vợ chồng chị xin làm công nhân cao su, nhờ vậy mà hàng tháng cả hai có thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng. Được công ty cho mượn đất, đến nay vợ chồng mình đã xây dựng được một ngôi nhà và có điều kiện cho con cái ăn học đầy đủ.
Cũng như nhiều công nhân khác, chị Điêu Thị Hoài, người dân bản Chiềng Chăn 4, xã Chăn Nưa và là công nhân Nông trường cao su Nậm Na chia sẻ, ngày trước gia đình chị chỉ làm nương, làm ruộng, muốn tiêu gì mua gì đều phải mang thóc, ngô đi bán, đi đổi. Bây giờ làm công nhân ở gần nhà chị vẫn có thời gian làm ruộng, làm nương và chăn nuôi nên cuộc sống khá hơn nhiều. Hai vợ chồng chị đã có hơn 10 năm làm công nhân cao su, thu nhập bình quân hơn 10 triệu/tháng, cuộc sống sung túc hơn rất nhiều.
Chế độ đãi ngộ đầy đủ
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II cho biết, cùng với việc tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho người dân địa phương, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II còn đảm bảo chế độ, chính sách đầy đủ cho người lao động. Cụ thể hóa việc thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện đầy đủ các chế độ về trợ cấp thai sản, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2021, công ty đã chi hơn 38 tỷ đồng, quỹ lương, thưởng cho người lao động và hỗ trợ COVID-19 hơn 2 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty cấp đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho cán bộ công nhân viên và lao động trực tiếp sản xuất, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm khi công tác. Năm 2021, công ty đã cấp phát 100% bảo hộ lao động cho công nhân gồm: giày vải, mũ cứng, tất chân, quần áo bảo hộ, quần áo mưa, áo ấm, quần áo bảo vệ, quần áo bảo vệ thực vật, xà phòng…. với chi phí gần 1 tỷ đồng. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với số tiền gần 200 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty còn thường xuyên phối hợp với cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức thăm hỏi giúp đỡ đoàn viên, người lao động khi ốm đau, hiếu hỉ, gặp hoạn nạn, khó khăn. Các ngày lễ lớn trong năm công ty luôn quan tâm tặng quà cho công nhân, người lao động nhằm khích lệ, động viên tinh thần làm việc.
Vợ chồng anh Hoàng Văn Bình ở bản Chiềng Nưa, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ có gần 10 năm làm công nhân cao su. Nhờ vậy mà vợ chồng anh chị không chỉ lo cho con đi học đại học dưới Hà Nội mà còn mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình như: xe máy, máy giặt, tủ lạnh, ti vi... Vinh dự hơn, vừa qua anh được bầu là một trong 2 công nhân ưu tú của công ty và lần đầu tiên được đi máy bay về thăm thành phố mang tên Bác dự hội nghị tuyên dương công nhân điển hình.
Anh Bình chia sẻ, anh cảm ơn Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II nhiều lắm. Làm việc ở đây, vợ chồng anh được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động. Ngày lễ, tết đều được công ty hỏi thăm, tặng quà. Đến bây giờ anh cảm thấy hài lòng khi làm công nhân, vì cả hai vợ chồng đều được đóng bảo hiểm, sau này về già vợ chồng anh yên tâm khi có lương hưu.
Ngoài việc có thu nhập ổn định và hưởng các chế độ chính sách đầy đủ, người dân Lai Châu còn được hưởng % chi phí góp đất theo nội dung ký kết hợp đồng giữa công ty cao su và người dân. Năm 2021, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu chi trả 17 tỷ đồng cho người dân góp đất; Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II chi trả hơn 7 tỷ đồng.
Nâng cao giá trị đầu ra sản phẩm
Sau 13 năm chịu muôn vàn những gian truân, vất vả, hy sinh, cây cao su với người dân Lai Châu bây giờ chính là rừng, là tài sản, là sinh kế và nguồn sống của bà con. Loài cây "vàng trắng" đã góp phần thay đổi bộ mặt của vùng đất biên giới xã xôi của Tổ quốc.
Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II đi vào hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu là xây dựng vùng kinh tế mới, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và hình thành thế trận quốc phòng - an ninh ở một vùng biên giới phía Tây Bắc. Đến nay, công ty đã trồng trên 4.727 ha cây cao su trên địa bàn của 3 huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu. Toàn bộ diện tích cao su hiện có tốc độ sinh trưởng, chất lượng vườn cây đều đạt so với quy trình kỹ thuật.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II Nguyễn Hữu Phước cho biết thêm, năm 2018, Công ty bắt đầu đưa diện tích vườn cây vào chu kỳ khai thác mủ. Qua 4 năm khai thác, công ty đã tiến hành khai thác được hơn 6.400 tấn mủ cao su quy khô, với doanh thu đạt gần 197,4 tỷ đồng. Hiện công ty tạo công ăn, việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng; trong đó 95% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2022, công ty sẽ đưa vào khai thác hơn 3.300 ha, với sản lượng được giao 3.150 tấn mủ quy khô và doanh thu khoảng hơn 120 tỷ đồng. Để đảm bảo kế hoạch và nâng cao chất lượng mủ, Công ty đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng mủ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
Trong đó, công ty tiếp tục quan tâm, chăm lo đến quyền lợi người lao động để người lao động tiếp tục đồng hành, gắn bó với công ty. Mặt khác, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu làm cỏ, bón phân, phun thuốc, cạo, thu gom mủ, có kho để sản phẩm trước khi vận chuyển đến nhà máy. Công ty còn quán triệt người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khai thác như: màng chắn nước mưa, máng che bát để đựng mủ, không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào mủ cao su và không để tạp chất lẫn vào mủ.
Đồng thời, công ty tiến hành lập phương án quản lý rừng bền vững, mở rộng diện tích khai thác vườn cây nhằm tạo việc làm cho trên 1.500 lao động địa phương. Đặc biệt, những năm trước sản phẩm mủ của công ty đều vận chuyển tới các nhà máy chế biến thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam nên mất nhiều thời gian, chi phí vận chuyển. Nhằm giảm phí vận chuyển, chế biến và tăng giá thành, tăng lợi nhuận cho đơn vị cũng như người dân, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ để chế biến ra các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước, quốc tế.
Còn Công ty cổ phần Cao su Lai Châu đi vào hoạt động từ năm 2007. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay Công ty quản lý hơn 6.900 ha cao su; trong đó có 5.800 ha đã cho khai thác mủ. Hiện công ty có hơn 1.400 lao động địa phương làm việc tại 6 nông trường: Phong Thổ, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Noong Hẻo, Căn Co, Nậm Quẩy. Theo kế hoạch, công ty phấn đấu năm 2022 sẽ khai thác hơn 7.000 tấn mủ quy khô với tổng doanh thu dự kiến hơn 258 tỷ đồng.
Ông Lò Văn Thương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Cao su Lai Châu cho hay, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mủ, thời gian tới công ty thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cạo mủ cho công nhân. Từ đó, nâng cao tay nghề cho người lao động, đảm bảo yêu cầu khắt khe của việc cạo mủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam đề ra. Mặt khác, đầu tư cơ sở vật chất như nhà máy chế biến mủ cao su nhằm giảm chi phí, tạo lợi nhuận cho công ty và người dân.
Hiện giá mủ cao su lên cao không chỉ mang lại niềm vui cho các công nhân cao su mà các doanh nghiệp, công ty cao su cũng phấn khởi. Bởi giá mủ cao su cao sẽ giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, đồng thời nâng cao đời sống của công nhân cao su, giúp người dân gắn bó lâu dài với cây cao su, góp phần thay đổi diện mạo bức tranh nông thôn vùng biên giới Lai Châu.