Ông Đặng Văn Phúc (ảnh), ở thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) là được đồng bào gọi “tỷ phú rừng”, bởi gia đình ông hiện nay sở hữu hơn 20 ha rừng kinh tế, tính sơ sơ cũng đến số tiền hàng tỷ đồng. Ông Phúc sinh ra và lớn lên ở xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng, gia đình ông là gia đình thuần nông. Năm 1991, gia đình ông Phúc quyết tâm đi tìm cuộc sống mới và điểm được chọn là thôn Pạc Bo, xã Bản Lầu. Chọn được nơi an cư, ông Phúc miệt mài khai hoang, vỡ đất cấy lúa, trồng ngô. Cho đến một ngày, người dân Bản Lầu học được cách trồng dứa, chuối mô thì cuộc sống của gia đình ông Phúc cũng bắt đầu có sự thay đổi. Nhưng rồi, ông Phúc cũng nhận ra rằng, đây là những cây trồng khiến đất bạc màu nhanh và sự tìm tòi lại bắt đầu.
Để kinh tế gia đình ổn định và bền vững, ông Phúc xác định phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đầu tiên là trồng quế xen với cây dứa, rồi đến cây cao su. Ba năm đầu, khi cây lấy gỗ tán còn thấp thì cây dứa đã thường xuyên cho thu hoạch đủ cho gia đình có nguồn tích lũy để phát triển rừng. Ông Phúc cho biết: “Cây cao su tán rộng, bộ rễ khỏe, là cây rừng phòng hộ rất tốt và là cây công nghiệp cho nguồn thu lâu năm”. Giờ đây, những cánh rừng cao su đã mọc lên tít tắp, mướt xanh, chờ đến ngày thu hoạch.
Dẫn chúng tôi lên thăm quan rừng cao su, ông Phúc cầm con dao khía một vết lên thân cây cao su, nhựa trắng như sữa chảy thành dòng. “Tôi không còn lo lắng gì nữa, ai bảo đất này không hợp cây cao su kia chứ”, ông Phúc cười nói.
Còn nhớ, ngày ông Phúc đưa cây cao su về trồng trên đất Bản Lầu, không ít người tỏ ra nghi ngại, chẳng biết lợi ích kinh tế ra sao, cây có sống nổi không... Và rồi, bất chấp đất cằn, bất chấp nắng hanh, hạn hán, cây cao su vẫn đâm chồi, ngát xanh. Từ diện tích chưa đầy 1 ha năm đầu tiên, sau 7 năm, rừng cao su của gia đình ông Phúc đã lên đến trên 7 ha, cộng thêm hơn 15 ha rừng quế, ông Phúc đã có trong tay khối tài sản tiền tỷ.
Bài và ảnh: Thúy Phượng