Chế tác và sử dụng thành thạo 15 nhạc cụ truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng, già làng Bloong Vẻ, năm nay đã 70 tuổi, vẫn đam mê với những nhạc cụ này. Sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, ngay từ nhỏ, cậu bé Bloong Vẻ đã được sống những giai điệu quen thuộc như hơi thở, cơm ăn, nước uống của các loại nhạc khí truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng trong những lễ hội, những nghi thức cũng như trong sinh hoạt đời sống và lao động sản xuất. Nhưng phải đến khi là một thanh niên, Bloong Vẻ mới hứng thú tìm hiểu và học cách sử dụng các loại nhạc cụ. Bắt đầu từ việc tập sử dụng ta lun, một loại sáo của đồng bào Giẻ Triêng. Phải đến 3 tháng miệt mài, chàng trai Bloong Vẻ mới thổi thuần thục các bài hát truyền thống bằng nhạc cụ này.
Già làng Bloong vẻ (hàng đầu) trong lễ hội Mừng nhà mới. |
Không dừng ở ta lun, Bloong Vẻ tiếp tục mày mò tìm hiểu và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống khác như: Đàn bin long; eng ong ọt; đing gor; khèn; ong eng nhâm; long gia ling ling, đâlđô… Đến nay, già làng Bloong Vẻ không chỉ sử dụng thành thạo 15 loại nhạc cụ của đồng bào Giẻ Triêng mà còn tự tay mình làm ra chúng. Đến thăm nhà già làng ở làng Đăk Răng, mọi người sẽ được nghe già chơi các nhạc khí và say mê giới thiệu về những cái hay, cái đẹp của mỗi loại nhạc cụ, loại nào chơi vào dịp nào, trong nghi lễ nào hay trong sinh hoạt thường ngày. Già Bloong Vẻ chia sẻ niềm đam mê của bản thân: “Tôi rất mê nhạc cụ truyền thống. Ngày nào tôi cũng thức dậy từ 4 giờ sáng để thổi sáo, đánh đàn…”.
Già Bloong Vẻ luôn là người ý thức rõ những giá trị của nhạc khí truyền thống Giẻ Triêng đang bị mai một và cần được bảo lưu, truyền dạy cho các thế hệ sau. Dù tuổi đã cao, già luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống diễn ra ở làng cũng như ở huyện, tỉnh hay ở Huế và Hà Nội. Theo già, đây là cách các thế hệ trẻ Giẻ Triêng hiểu biết hơn những cái hay, cái đẹp của nhạc khí truyền thống đồng thời cũng là cách giới thiệu để mọi người biết đến những giá trị của nhạc cụ dân tộc Giẻ Triêng.
Già Bloong Vẻ bộc bạch: “Tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho lớp trẻ càng nhiều càng tốt, để chúng hiểu hơn về dân tộc mình. Bây giờ mà không truyền dạy cho thế hệ trẻ, khi tôi và các nghệ nhân khác về với ông bà tổ tiên, không còn ai chỉ dạy nữa, văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ mất dần”.
Bài và ảnh: Thu Loan