Lá phổi xanh nâng cao hiệu quả chắn sóng ven biển Thái Thụy

Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, những năm gần đây huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án trồng rừng, mỗi năm huyện Thái Thụy trồng thêm hàng trăm ha rừng ngập mặn.

Video: Xanh ngút ngàn rừng ngập mặn ven biển Thái Thụy

Theo ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng được chú trọng, người dân đã có ý thức trong bảo vệ, trồng và phát triển rừng.

Nằm trong vùng kinh tế ven biển của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, huyện Thái Thụy xác định đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ven biển kết hợp với phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn của địa phương.

Đi dọc tuyến đê biển xã Thụy Xuân, Thụy Trường, chúng tôi cảm nhận rất rõ rừng ngập mặn ven biển có chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh quốc phòng ven biển. Chính vì thế, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn luôn là một trong những vấn đề được UBND tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm.

Chú thích ảnh
Sinh thái rừng ngập mặn tại huyện Thái Thụy đang được mở rộng.
Chú thích ảnh
Nhờ có dự án trồng rừng ngập mặn ven biển nên tuyến đê phòng hộ chống xói mòn cũng được gia cố vững chắc.
Chú thích ảnh
Công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn luôn được các xã vên biển như Thụy Xuân, Thụy Trường đặc biệt coi trọng.

Ông Đồng Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Thụy Trường cho biết: Đầu những năm 1990, vùng bãi triều ven biển của xã còn hoang sơ, cây cối thưa thớt. Từ năm 1994 đến nay, xã được tiếp nhận nhiều dự án lâm nghiệp, đặc biệt là dự án trồng rừng phòng ngừa thảm họa do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ.

Nhờ đó, đến nay, xã đã phát triển được cả một dải rừng ngập mặn với những cây sú, cây vẹt, cây bần chua đan dày với nhau có chỗ rộng lên tới gần gần 10km đang tạo thành một vành đai vững chắc bảo vệ đê biển đi qua địa bàn, ngăn bão, triều cường, xâm nhập mặn...  

Diện tích rừng ở tỉnh Thái Bình được phân chia thành 2 vùng chính là rừng trồng ven biển tại huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy. Hệ thống rừng ven biển của tỉnh đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân.

Nhận thức được vai trò và lợi ích to lớn của rừng ngập mặn mang lại, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều dự án trồng rừng trên địa bàn huyện Thái Thụy như: Dự án phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, trồng 160ha rừng tại xã Thụy Xuân, Thụy Hải và 2 xã của huyện Tiền Hải…

Chú thích ảnh
Nhiều hộ dân cũng được hưởng lợi từ rừng ngập mặn ven biển như phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
Chú thích ảnh
Rừng ngập mặn chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân.
Chú thích ảnh
Hiện ở xã Thụy Trường đã phát triển được cả một dải rừng ngập mặn với những cây sú, cây vẹt, cây bần chua đan dày dài hàng chục km.
Chú thích ảnh
Đầm nuôi thủy sản sau đê bên những cánh rừng ngập mặn ven biển.

Bà Nguyễn Thị Lý, xã Thụy Xuân cho biết: Rừng ngập mặn là lá chắn bảo vệ vùng ven biển, cửa sông; giảm thiểu sự tàn phá của bão biển, triều dâng, hạn chế xói lở, giảm xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh quá trình bồi tụ phù sa, là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái...

Do đó người dân địa phương đã nâng cao ý thức bảo vệ và nhân rộng diện tích rừng ngập mặn, trong đó làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của rừng ngập mặn từ đó có trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ.  

Được biết, hiện tổng diện tích rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy có trên 2.500 ha chiếm 9,36% diện tích đất tự nhiên và 31,3% diện tích đất bãi bồi ven biển. Rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy cơ bản là rừng trồng bằng các nguồn vốn của các dự án, chương trình trong nước và nguồn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế và chương trình của Liên hợp quốc. 

Chú thích ảnh
Rừng ngập mặn là lá chắn bảo vệ vùng ven biển, cửa sông; giảm thiểu sự tàn phá của bão biển, triều dâng.
Chú thích ảnh
Người dân đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của rừng ngập mặn từ đó có trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Chú thích ảnh
Hệ thống rừng ven biển của tỉnh Thái Bình đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển.

 

Bài, ảnh, clip: V.T/Báo Tin tức
Ra quân trồng cây rừng ngập mặn tại Khánh Hoà
Ra quân trồng cây rừng ngập mặn tại Khánh Hoà

Sáng ngày 12/12 tại bờ biển Cam Lâm, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ ra quân trồng cây rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN