Giá trị trái phiếu được doanh nghiệp mua lại tăng 48,3%
“Các tổ chức phát hành, cung cấp dịch vụ chấp hành nghiêm túc chế độ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. Như vậy, với những quy định mới của Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả bước đầu rất tích cực. Trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ có những điều chỉnh và bắt đầu đi lên một cách bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bày tỏ.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), riêng trong 2 tuần cuối tháng 5/2023, tổng giá trị TPDN đáo hạn là hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản là 7.000 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh nguyên vật liệu khoảng 2.600 tỷ đồng và các ngân hàng là 2.000 tỷ đồng… Luỹ kế từ đầu năm tới nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận đạt gần 31.700 tỷ đồng với 7 đợt phát hành công chúng có giá trị 5.500 tỷ đồng (chiếm 17% tổng khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị hơn 26.100 tỷ đồng (chiếm 83%).
Trong 12 ngày đầu tháng 5/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua 2.449 tỷ đồng trái phiếu. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn luỹ kế từ đầu năm đến nay đạt gần 53.000 tỷ đồng (tăng 48,3% so với cùng kỳ năm trước).
Trên thực tế, sau Tết Nguyên đán, nhà đầu tư TPDN rất lo lắng với thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố về danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi cho trái chủ (trong đó có trên 30 doanh nghiệp bất động sản). Đến tháng 5/2023, FiinRatings (công ty vị xếp hạng tín nhiệm nội địa) ghi nhận gần 100 tổ chức phát hành công bố chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp với giá trị lên tới 128 nghìn tỷ đồng, tương đương 16% tổng quy mô trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành.
Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN về tổng quan đã phát triển nhanh trong những năm gần đây và chiếm khoảng 12,6% GDP năm 2022. Tuy nhiên đến năm 2022, giá trị TPDN phát hành riêng lẻ đã giảm 45% so với năm 2021, đạt 337 nghìn tỷ đồng. Sang đến quý I/2023, giá trị TPDN phát hành chỉ đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng và trong tháng Tư, thị trường ghi nhận duy nhất 1 lô trái phiếu riêng lẻ phát hành thành công với trị giá 671 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thị trường và doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đang “chậm” khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu, gây tiềm ẩn nhiều rủi ro về áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết: Kể từ khi Nghị định 08 được ban hành, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26,4 nghìn tỷ đồng TPDN ra thị trường. Trong khi giai đoạn cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy tác động chính sách giúp các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có niềm tin và bắt đầu quay trở lại thị trường. “Ở một khía cạnh khác, sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu.
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8 nghìn tỷ đồng (7,9 nghìn tỷ đồng). Trong đó, có một số doanh nghiệp phát hành lớn như: Tập đoàn địa ốc Bulova, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land…
Cần xây dựng hệ sinh thái trái phiếu
Theo PGS TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), vừa qua Chính phủ đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ tất cả những khó khăn. Tuy nhiên cần tạo nền móng cho tương lai, bởi trái phiếu là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới tăng trưởng, đòi hỏi đột phá mới về tư duy cũng như ý thức xây dựng quốc gia hiện đại trong 2 - 3 thập kỷ tới. Tức là trong bối cảnh thế giới chưa hồi phục, thị trường quốc tế còn hấp thụ yếu thì cần khơi thông nguồn lực (thể chế, dòng tiền) trong nước để tăng năng lực nội địa”, ông Vũ Minh Khương đề xuất.
Còn theo GS TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát vừa qua là "thành công nhất trong bối cảnh thế giới chứng kiến những cơn sóng chao đảo về lạm phát, suy giảm tăng trưởng". Điều này giúp Việt Nam tạo ổn định về nhiều mặt, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.
Chính phủ đã ứng phó kịp thời, phù hợp trong điều hành chính sách tài khoá, nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp thông qua miễn, giảm thuế phí. Về tiền tệ, tiền đồng duy trì được giá ổn định, khi giá đồng tiền các nước tăng cao. Tuy vậy, bên cạnh kiểm soát lạm phát Chính phủ cần quan tâm tới nguồn lực bơm ra thị trường, như tiền tệ. "Nếu chúng ta quá lo ngại lạm phát, tiếp tục thắt chặt đồng tiền, hạn chế cung vốn cho doanh nghiệp thì họ không có nguồn lực để sản xuất kinh doanh", GS Hoàng Văn Cường góp ý.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tránh những vấn đề hình sự, PGS TS Vũ Minh Khương nêu ra 3 tuyến phòng vệ. Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hàng năm để đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các kiến nghị thường xuyên, liên tục.
Để vực thị trường vốn quan trọng này, TS Vũ Minh Khương đề xuất: Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh. Tại nhiều quốc gia, hiện trái phiếu được phát hành theo 3 loại. Một là phát hành trái phiếu có bảo hiểm, giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền vì bảo hiểm kiểm tra rất kỹ chất lượng trái phiếu; thứ hai là phát hành trái phiếu có bảo lãnh. Cuối cùng, trái phiếu không có bảo lãnh, bảo hiểm thì cần ít nhất thẩm định qua đánh giá của các đơn vị chuyên nghiệp.
“Hiện một số quốc gia không chú ý đầu tư nâng cấp hệ sinh thái cho trái phiếu nên khó phát triển như Indonesia hay Philippines chỉ phát hành được lượng trái phiếu rất nhỏ. Trong khi ở Hàn Quốc, họ có thể phát hành cả nghìn tỷ USD. Xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách", TS Vũ Minh Khương chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, để vực dậy thị trường TPDN, Việt Nam phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá, lạm phát ổn định. Đó chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên, trở lại guồng phát triển. “Phải có những quy định pháp luật trực tiếp cho thị trường này, để có thể ứng xử linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng kịp thời diễn biến thực tiễn. Doanh nghiệp phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với những nghĩa vụ như các cam kết của mình với nhà đầu tư. Nhà nước thì giám sát các doanh nghiệp, giám sát thị trường để đảm bảo việc thực thi các nhiệm vụ theo đúng các quy định của pháp luật. Bản thân các nhà đầu tư cũng phải tôn trọng các quy định của pháp luật để Nhà nước hỗ trợ và giám sát thị trường này minh bạch và đảm bảo hài hòa các quyền lợi, lợi ích của các bên”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Bên cạnh tháo gỡ về mặt pháp lý, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp khác hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hạ lãi suất, gỡ vướng cho thị trường bất động sản… Tất cả những giải pháp đồng bộ này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà cũng tác động tích cực đến thị trường TPDN.
“Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư, theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.