Kinh tế Việt Nam 2014: Bước đệm quan trọng để đạt mức tăng trưởng tiềm năng

Năm 2013, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong việc ổn định nền kinh tế. Những điểm sáng đáng tiêu biểu như: lạm phát, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, FDI… đã khẳng định thêm nền kinh tế Việt Nam đã chính thức “thoát đáy” khép lại thời kỳ suy giảm để “leo dốc” trở lại đà tăng trưởng. Năm 2014 đang mở ra với những triển vọng sáng sủa hơn và là năm được kỳ vọng là bước đệm quan trọng để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng tiềm năng trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 2013 - Kinh tế đã thoát đáy

Nếu năm 2012, tăng trưởng GDP ở mức đáy (tính từ năm 2000), thấp hơn cả mức 5,4% của năm 2009, năm mà cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới bùng phát, thì tăng trưởng của năm 2013 có thể được coi là đã thoát đáy.

Trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 15/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định: kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi vùng đáy của thời kỳ suy giảm. Lời khẳng định của vị “kiến trúc sư” về chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự thành công trong chính sách điều hành và sự quyết tâm vượt khó của các ngành các cấp trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Giàn khoan mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN.


Kinh tế đã chính thức “thoát đáy” không chỉ được khẳng định bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà cũng đã được thừa nhận bởi hầu hết các chuyên gia kinh tế. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3/2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014.

Ông Nghĩa phân tích: "Biểu hiện là chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ đó cho đến nay". Cùng quan điểm trên, TS. Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở "vùng đáy" sau khi đã "đổ đèo" trong 3 năm qua để "leo dốc" trở lại đà tăng trưởng.

Sự “thoát đáy” của nền kinh tế được thể hiện rõ hơn bằng hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2013 được cải thiện theo hướng ổn định hơn; lạm phát được kiềm chế, các ngành sản xuất thực phục hồi, dự trữ ngoại hối tăng cao, bình ổn được tỷ giá VNĐ...
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 so với tháng 12/2012 tăng 6,04%.

Năm 2013 là năm đầu tiên CPI phá vỡ chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp” đã diễn ra trong 9 năm trước đây. Điều đó lại càng có ý nghĩa khi tăng trưởng kinh tế năm 2013 cũng ở mức 5,4%, và đạt được mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra trước đó (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm trước).

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2013 ước tính tăng 5,9% so với năm trước. Chỉ số tồn kho, chỉ số tiêu thụ diễn biến theo xu hướng tích cực. Hoạt động dịch vụ khá sôi động , cụ thể, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2013 ước tính tăng 12,6% so với năm 2012, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 5,6%. Giá trị sản xuất xây dựng năm 2013 theo giá so sánh 2010 ước tính tăng 6,2% so với năm 2012.

Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, kim ngạch xuất khẩu 2013 đạt hơn 132 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 và vượt mức chỉ tiêu đề ra cho xuất khẩu là 10%. Thu hút đầu tư nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến 15/12, thu hút FDI ước đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, lần đầu tiên trong 30 năm, Việt Nam dần loại bỏ vàng như một phương tiện thanh toán mà chỉ mang giá trị tích lũy. Đồng Việt Nam từ chỗ chịu áp lực rất lớn, giờ đã trở lại vị thế của nó với việc thanh khoản khá dồi dào, lãi suất và tỷ giá đều được giữ ổn định, dự trữ quốc gia tăng cao.

Năm 2014 - Trở lại “đường ray” tăng trưởng

Năm 2014 là năm áp chót của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Sự phát triển và ổn định kinh tế của năm 2014 đóng vai trò quan trọng không chỉ trong kế hoạch 5 năm mà còn đặt bước đệm quan trọng cho nền kinh tế chuyển mình sang một giai đoạn mới, hội nhập sâu với thế giới cùng nhiều hiệp định, hiệp ước quốc tế, nhất là sau một chặng đường 5 năm kinh tế Việt Nam vượt qua thử thách của khủng hoảng.

Nếu coi năm 2013 là đáy của chữ U trong mô hình hồi phục kinh tế, thì năm 2014, làm năm đáy chữ U nhích lên, khả năng hồi phục của kinh tế Việt Nam là rất cao. Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, năm 2014 và 2015, kinh tế sẽ tăng trưởng khả quan hơn, và sẽ là tiền đề, cơ sở tốt để đạt được mức tăng trưởng tiềm năng như đã từng đạt được trong giai đoạn 1991-1996 và giai đoạn 2001-2007 (mức tăng trưởng 7-8%).

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay so với giai đoạn mới gia nhập WTO, hoặc trước khủng hoảng, vẫn còn thấp hơn khá nhiều. Nhưng năm 2014 sẽ là bước đệm quan trọng để kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng. Việt Nam sẽ phải mất vài năm nữa, mới có thể trở về mức tăng trưởng đó.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những cơ sở để tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế là việc Chính phủ sẽ tăng đầu tư phát hành thêm trái phiếu. Như vậy, nếu như năm 2013, chủ yếu chính sách tiền tệ phát huy tác dụng đối với các yếu tố tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng… thì năm 2014, sẽ thêm yếu tố tăng đầu tư công. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tăng đầu tư công và một số yếu tố khác khởi sắc, sẽ giúp tăng trưởng kinh tế năm 2014 tốt hơn. Năm 2014, dự báo có thể tăng trưởng GDP tốt, do FDI sẽ tăng cả nguồn vốn ký kết và giải ngân. Đặc biệt, năm 2014 có những động lực để giải ngân FDI tăng lên khi có nhiều mong đợi cơ hội từ TPP và đầu tư công cũng tăng lên. Trước đó, Chính phủ tuyên bố dùng thâm hụt ngân sách để đầu tư công, và ứng vốn trước của năm 2016 – 2020, nên năm tới vốn đầu tư công có thể lên đến 400 nghìn tỷ, giúp thúc đẩy cầu của doanh nghiệp và tư nhân cải thiện hơn.

TS. Quách Mạnh Hào cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi và trở lại đà tăng trưởng. “Tôi tin rằng nền kinh tế chỉ có thể tốt lên thực sự vào năm 2015- 2016. Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải giải quyết được các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hệ thống ngân hàng", TS. Hào nhấn mạnh.

Dự báo về năm 2014, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCEIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nền kinh tế sẽ giải quyết được những khó khăn, chính sách điều hành dần đi vào thực tế. Theo đó, tăng trưởng GDP sẽ ở mức 5,67%. Cũng theo NCEIF, ở kịch bản khả quan hơn, nền kinh tế được hưởng lợi nhiều hơn từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, tận dụng được lợi thế từ việc mở rộng đầu tư thương mại qua các hiệp định thương mại, GDP có thể tăng ở mức 6,2% trong năm 2014 và tăng mức 6,5% trong năm 2015.

Cần quyết sách để tạo bước ngoặt mạnh mẽ


Đà tăng trưởng tiến triển dần qua các quý và chính thức thoát đáy năm 2013 là tín hiệu khả quan để nhìn về năm 2014. Kinh tế năm 2014 sẽ phục hồi nhưng vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ như tái cơ cấu chậm, vấn đề nợ xấu, nguy cơ lạm phát…

Chìa khóa được nhắc tới vẫn là tính kiên định và sự thực thi quyết liệt trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại, để giải quyết những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần rút ra bài học về sự chậm trễ và thiếu quyết liệt trong thực thi chính sách của năm 2013 và cả những năm trước đó nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội chủ động khai thác tính cộng hưởng chính sách vào từng hoạt động của nền kinh tế.

Về nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định: “Năm 2014 cần giải quyết được những yếu kém để chuẩn bị cho nền kinh tế bắt đầu khởi sắc vào năm 2015 và tôi kỳ vọng, từ năm 2016 trở đi là giai đoạn mà chúng ta giữ được thành quả ổn định nền kinh tế vĩ mô và lấy lại niềm tin thị trường”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục chỉ đạo tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bởi nếu không ổn định vĩ mô thì khó phát triển bền vững.

Một trong những giải pháp trọng tâm của năm tới là tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… phấn đấu đạt tăng trưởng 5,8% năm 2014, tạo đà cho 2015 đạt mức 6,6%.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, năm 2014, cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư…



Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, "nút thắt" của nền kinh tếViệt Nam trong năm 2014 nằm ở khâu tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, việc phục hồi nền kinh tế trong năm 2014 phụ thuộc rất nhiều vào tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, giải quyết nợ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước...

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, với những thành công trong năm 2013, năm 2014, ổn định giá trị đồng tiền vẫn là mục tiêu chính sách quan trọng. Theo đó, cần ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng kiểm soát không tăng mạnh cung tiền. Bên cạnh đó thì cần tiếp tục sử dụng đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, theo dõi sát diễn biến tiền tệ để xử lý lãi suất và tiền cung ứng.

TS Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện kinh tế Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2014 là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất và chẳng bao lâu sẽ tái diễn sự bất ổn, với cái vòng luẩn quẩn như đã từng xảy ra. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng 7 – 8% mỗi năm. “Nếu không đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, chúng ta không thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và cũng không có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội”, ông Lịch nói.


Quốc Huy
Hàng hóa Tết 'hạ nhiệt', 'sốt' dịch vụ rửa xe
Hàng hóa Tết 'hạ nhiệt', 'sốt' dịch vụ rửa xe

Trưa 30 Tết Giáp Ngọ tại TP Hồ Chí Minh, thị trường các mặt hàng hoa, trái cây, cây cảnh, thực phẩm trưng bày và sử dụng trong những ngày Tết đã bắt đầu hạ nhiệt. Trong khi đó, dịch vụ rửa xe lại lên cơn “sốt” bởi có khá đông người dân mang xe "cưng” của mình đi “tắm rửa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN