Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế - Bài cuối : Để kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng

Sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân cùng hành động quyết liệt từ phía Chính phủ, các bộ, ngành đã tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt vươn lên, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình, việc cải cách thể chế, tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục được thực hiện khẩn trương, rốt ráo hơn nữa. 

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt May Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Cần sự đột phá về cơ chế, chính sách

Sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khối kinh tế này ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hầu hết lĩnh vực, đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) dẫn chứng, 9 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Sự chuyển dịch về cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp trên 40% GDP tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, theo đại biểu, kinh tế tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá, tạo thành trụ cột mới của nền kinh tế, vì thế cần các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân. “Phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế”, đại biểu chỉ rõ.

Phân tích năm 2019, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 trên thế giới, tăng 10 bậc và 3,5 điểm. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Như So nêu lên một nghịch lý, mặc dù trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, thế nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018. “Việc đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi môi trường kinh doanh có thực sự lý tưởng để doanh nghiệp tư nhân phát triển? Tình trạng trên nóng, dưới lạnh, ở giữa thờ ơ đã giảm nhiệt huyết của người dân, doanh nghiệp, các giấy phép "con cháu". Chi phí không chính thức và đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều quy định gia tăng áp lực lên doanh nghiệp”, đại biểu nhận định.

Từ đó, đại biểu đề nghị, Nhà nước cần thay đổi mạnh mẽ từ can thiệp, hỗ trợ quản lý, tăng cường nguồn lực, hỗ trợ đủ mạnh về đất đai, nguồn vốn tín dụng, đào tạo nhân lực liên kết với các thành phần kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng và chất lượng cao tương xứng với tiềm năng. “Cần phải đặt doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở Việt Nam, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng ở khu vực kinh tế tư nhân đang có nghịch lý lớn. Đó là, trên 700 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. “Không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc phân tích, về bản chất, hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh… Trong quan hệ nội bộ, hộ kinh doanh đang thiếu một khung khổ quản trị có hiệu quả và không rõ ràng về trách nhiệm của các cá nhân tham gia. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy và hỗ trợ để lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt…

“Để giải quyết vấn đề này, chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh: đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”, ông Lộc phân tích.

Đảm bảo cạnh tranh công bằng

Dưới góc độ doanh nhân tư nhân, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định, cải cách thể chế là “chìa khóa” để kinh tế tư nhân vươn lên, khẳng định vai trò và vị thế của mình. Theo đó, trong các trường hợp nhất định, Chính phủ cần có biện pháp bảo hộ doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực trọng điểm kinh tế để cạnh tranh với quốc tế. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành cần đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, có chính sách cụ thể để các thành phần kinh tế nhận được những ưu đãi công bằng, không quá ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đó, cần cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực mà Nhà nước vẫn độc quyền như đường sắt, truyền tải điện, hạ tầng hàng không… “Doanh nghiệp tư nhân có đủ kinh nghiệm, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn, giúp Chính phủ hạn chế nợ công đồng thời tận dụng được nguồn vốn tư nhân và vốn FDI”, bà Nga nhận định và đề xuất, Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính bởi trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn, lãng phí thời gian, nguồn lực của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho tiêu cực. Trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ có thể nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong các quy trình hành chính nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc cơ học giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thủ tục hành chính tinh gọn, chính xác giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội, gia tăng hiệu quả kinh doanh, minh bạch hóa nền hành chính công.

Khơi dậy nguồn lực của tập đoàn kinh tế

Trong quá trình phát triển, sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân không thể không nhắc đến những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ kinh tế thế giới. Quá trình phát triển của các tập đoàn kinh tế đòi hỏi phải có hành lang pháp lý phù hợp, để vừa thực hiện đúng đường lối của Đảng, vừa tạo tiền đề để có thêm nhiều tập đoàn hùng mạnh đạt tầm khu vực và thế giới.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và dịch vụ hiện đại làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời, quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng "chuyển giá", trốn thuế, sở hữu chéo...

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn mà hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế nước ta đủ sức thực hiện. Đặc biệt, Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của tập đoàn.

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Thủ tướng và Chính phủ đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển, kiến tạo các lĩnh vực dựa trên việc động viên nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Thủ tướng tin tưởng rằng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Các nghị quyết, cơ chế, chính sách này được thực thi một cách đồng bộ, kinh tế tư nhân sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và sẽ trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như quan điểm của Đảng đã xác định.

Phan Phương (TTXVN)
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế - Bài 2: Rộng đường để kinh tế tư nhân 'cất cánh'
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế - Bài 2: Rộng đường để kinh tế tư nhân 'cất cánh'

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN