Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi giữa tháng 10/2019 dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% năm 2019, mức tăng thấp nhất kể từ sau đợt suy thoái 2008/2009. IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ nhích lên 3,4% vào năm 2020 song chỉ nhờ sự khởi sắc của các nền kinh tế như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina - hiện đang trong tình trạng khó khăn.
Sự giảm tốc này đang diễn ra đồng loạt trên quy mô toàn cầu và tập trung vào lĩnh vực chế tạo, đầu tư và thương mại khi các mức thuế quan và sự bất ổn liên quan đến chính sách gia tăng đã tác động tiêu cực tới niềm tin của doanh nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng dành cho ô tô và các phương tiện giao thông gắn máy.
Mỹ mới đây thông báo sản lượng chế tạo của nước này, không tính các phương tiện giao thông gắn máy và phụ tùng, trong quý III/2019 đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2018, mức kém nhất kể từ cuối năm 2016.
Tuy vậy, số lượng lao động làm việc ở lĩnh vực chế tạo của Mỹ trong quý III/2019 vẫn tăng 1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, thời gian làm việc trung bình của người lao động trong lĩnh vực chế tạo của Mỹ trong quý qua chỉ giảm 0,3%.
Sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ đang diễn ra trên thực tế với mức độ đáng kể, song nếu không dẫn tới tình trạng mất việc làm và làm giảm mức tăng trưởng thu nhập, thì nó không thể trở thành một cuộc suy thoái kinh tế toàn diện.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế ở phần còn lại của thế giới thậm chí còn chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn, nhất là ở các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế như Trung Quốc và Đức. Tuy vậy, hiện không có nhiều báo cáo về tình trạng mất việc làm lan rộng, cho thấy sự giảm tốc kinh tế nói trên đến nay chỉ cho thấy đợt ảnh hưởng đầu tiên.