Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, đối với phát triển ngành công nghiệp ICT và các doanh nghiệp công nghệ số, thành phố xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp và các khu công nghiệp tích hợp công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực công nghiệp có ảnh hưởng lớn để cải thiện năng suất trên quy mô lớn và khai mở các giá trị kinh tế chưa thực hiện được trước đây. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý thông minh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thành phố khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp kiến tạo và sử dụng giải pháp số (khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn phát triển các ứng dụng, giải pháp số); hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển, hợp tác về thương mại điện tử. Đồng thời, tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà sản xuất; xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số.
Hải Phòng cũng đã định hướng chuyển đổi số một số ngành kinh tế chính, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp số hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng ứng dụng công nghệ số trong ngành điện; thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch, công nghệ cao tập trung vào công nghiệp điện khí; xây dựng, triển khai hệ thống quản lý, điều hành thông minh trong lĩnh vực năng lượng. Đồng thời, Hải Phòng xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất và các kỹ thuật canh tác nông nghiệp; quảng bá, tuyên truyền các sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.
Thành phố tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin quản lý giao thông thông minh trên nền tảng số, kết nối, tích hợp trung tâm giám sát, điều hành thông minh của thành phố; số hóa hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu; xây dựng, triển khai Cổng thông tin giao thông trực tuyến tích hợp với sàn giao dịch điện tử phục vụ doanh nghiệp, người dân và du khách. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin quản lý về cảng biển, hậu cần cảng biển, kinh tế biển và dịch vụ logistic, đưa các hoạt động kinh tế xuất nhập khẩu tại cửa khẩu cảng biển lên môi trường số kết nối với hệ thống logistic để hỗ trợ liên kết vùng trong đó sử dụng liên kết số toàn diện thông qua Digital ID, QRCode...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường chia sẻ, thu hút đầu tư của Hải Phòng liên tục đứng top đầu của cả nước đã góp phần tăng cường tỷ trọng kinh tế lõi ICT. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... hoạt động trong lĩnh vực ICT, kinh tế số hiệu quả đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế của thành phố; 8 tháng của năm 2024 đã thu hút thêm khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư vào Hải Phòng.
Trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động; gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.
Về phát triển hạ tầng, thúc đẩy số hóa các ngành kinh tế, ngoài việc triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại các khu trung tâm tương tự tại các địa phương khác, để đẩy mạnh các ngành mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp, thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ và triển khai mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên trên toàn quốc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Pegatron (Khu công nghiệp DEEP C 2A, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng).
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt hơn 40%.
Hệ thống cảng biển Hải Phòng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc, bao gồm 53 cảng. Sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển ước đạt 78,2 triệu tấn; số lượng tàu Việt Nam và nước ngoài vào, rời khu vực cảng biển Hải Phòng ước đạt 12.316 lượt trong 9 tháng qua. Do đó, thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số lĩnh vực cảng biển.
Trong thời gian qua, việc đưa các giải pháp công nghệ số Make in Vietnam, nền tảng chuyển đổi số cảng biển vào ứng dụng đã góp phần chuyển đổi số nhanh với 100% các cảng có hệ thống quản lý cảng TOS, khoảng 40% số cảng đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số, với nhiều ưu việt như triển khai nhanh (2 - 4 tuần thay vì 16 - 18 tháng), giá trị chỉ 10 - 20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài, năng lực đón tàu tăng khoảng 150%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%, các thủ tục hành chính, dịch vụ Cảng giảm mạnh từ 6 - 8 giờ với 12 điểm chạm xuống chỉ còn 3 phút với 2 điểm chạm.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất và tối ưu hóa phục vụ khách hàng đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều cảng như: chụp ảnh tự động, nhận diện tình trạng vỏ container tại tuyến cầu tàu; ứng dụng định vị dẫn hướng tự động và giải pháp giám sát hành trình và nhiên liệu cho xe vận chuyển nội bộ; ứng dụng giải pháp cổng thông minh nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ moóc; tích hợp Cổng điện tử và ứng dụng trên di động thực hiện thao tác kiểm tra và giao nhận tự động…
Đại diện của một số cảng biển cho biết, sau khi đưa vào ứng dụng đã giúp khách hàng xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất chính xác, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động của cảng, các đối tác và khách hàng. Hệ thống tương tác với các lái xe, doanh nghiệp vận tải qua môi trường mạng, tỷ lệ sử dụng giao dịch điện tử, chứng từ điện tử lên tới trên 90%.