Kinh tế Iran vẫn tăng trưởng dù nguồn thu từ dầu mỏ giảm 91%

Các biện pháp trừng phạt do Mỹ tái áp đặt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran từ năm 2018-2020 đã khiến doanh thu từ dầu mỏ của Iran giảm 91% và quốc gia Trung Đông này thất thu 98,6 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Iran đã điều hành thành công nền kinh tế không có nguồn thu dầu mỏ.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN 

Việc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 vào tháng 5/2018 đã ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ của Iran. Mỹ muốn xuất khẩu dầu thô của Iran giảm xuống 0 và hạn chế khả năng tiếp cận của Tehran đối với các nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu.

Mặc dù xuất khẩu dầu của Iran chưa bao giờ giảm xuống 0, song giới chức Iran đã phải đối mặt với những áp lực ngày càng lớn khi bán và vận chuyển dầu ra thị trường bên ngoài. Do đó, Tehran đã cố gắng bù đắp các khoản thu ngoại tệ bị mất thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ và hóa dầu. Đây được coi là một kế hoạch thành công của Tehran.

Theo một báo cáo mới đây do Bộ Ngoại giao Iran trình Quốc hội nước này, cuộc chiến kinh tế toàn diện đã khiến doanh thu từ dầu mỏ của Iran giảm khoảng 98,6 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2020. Cái gọi là "gây áp lực tối đa" đang đè nặng lên nền kinh tế Iran và nước này không thể tiếp cận nguồn thu từ dầu mỏ của mình tại các ngân hàng ở những nước khác, bao gồm cả Hàn Quốc và Iraq (I-rắc). Vì vậy, Iran đã phải chịu áp lực ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và Tehran không thể mua thiết bị y tế và thuốc men.

Tác động của đại dịch COVID-19, sự sụt giảm mạnh trong nguồn thu từ dầu mỏ và tình hình không ổn định của nền kinh tế thế giới đã đẩy kinh tế Iran vào tình cảnh rất khó khăn. Doanh thu từ dầu mỏ của Iran năm 2020 đã ghi nhận mức thấp nhất trong 20 năm qua. Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm xuống dưới 20 USD/thùng vào mùa Xuân năm 2020 và không thể đạt mức trên 70 USD/thùng vào cuối năm ngoái cũng ảnh hưởng đến nguồn thu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này.

Nguồn thu từ dầu mỏ giảm mạnh khiến kinh tế Iran giảm 7,4% trong quý I/2019. Tuy nhiên, kinh tế Iran đã chứng kiến bước cải thiện rất khả quan khi đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2020, cho dù nước này không có nguồn thu từ dầu mỏ. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đã giảm 4% trong năm ngoái. Iran đã xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, bao gồm cả xăng, không chỉ sang khu vực Tây Á mà còn ra khắp thế giới và đặc biệt là ở thị trường Nam Mỹ.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Trung Đông)
Saudi Arabia và UAE đạt được thỏa hiệp nhằm ổn định thị trường dầu mỏ
Saudi Arabia và UAE đạt được thỏa hiệp nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

Theo truyền thông khu vực Trung Đông, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất (UAE) ngày 14/7 đã đạt được thỏa hiệp về chính sách sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN