Theo IfW, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế hàng đầu châu Âu sẽ giảm 6,8% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa liên bang.
Nhật báo Frankfurter dẫn lời chuyên gia kinh tế đánh giá rằng, Đức đang rơi vào cuộc suy thoái sâu sắc, GDP của Đức có thể sẽ giảm trong khoảng từ 6,3-7% trong năm nay. Ngoài ra, người ta cũng không chắc chắn liệu sẽ có làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 hay không.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Kiel và Giám đốc kinh tế Stefan Kooths cảnh báo rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã chạm đáy vào tháng Tư. Với các biện pháp nới lỏng bắt đầu vào tháng Năm, các công ty cũng đã nhanh chóng bù đắp một số tổn thất trong sản xuất.
Tuy nhiên, sự phục hồi hoàn toàn từ cuộc khủng hoảng sẽ phải mất một thời gian. Mặt khác, các quốc gia là khách hàng của Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, do đó, xuất khẩu cũng chỉ nên tăng dần trở lại.
Trong diễn biến liên quan đến hậu quả do dịch COVID-19, truyền thông Đức dẫn số liệu của Văn phòng thống kê liên bang cho biết, khủng hoảng dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Đức.
Doanh thu từ các công ty du lịch và lữ hành cũng như các nhà cung cấp dịch vụ đặt phòng khác đã giảm trong Quý I khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan này nhấn mạnh "Đây là sự sụt giảm doanh số lớn nhất trong ngành du lịch kể từ năm 2008".
Việc nới lỏng các quy định về du lịch mới đây có thể mang lại sự thúc đẩy cho ngành công nghiệp này hay không phụ thuộc vào việc đi lại và chi tiêu của người dân Đức. Theo thống kê năm 2018, gần 1/5 hộ gia đình – chiếm 19,6% đã chi tiền cho các chuyến du lịch trọng gói với khoảng kinh phí trung bình 1000 euro. Ngành công nghiệp du lịch có khoảng 13.300 công ty với khoảng 110.000 nhân viên vào năm 2018.