Điểm sáng đầu tư công, lạm phát sẽ được kiểm soát
Ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) nhận định: Kinh tế sau 2 tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều điểm sáng. Đó là lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp (CPI bình quân trong 2 tháng đầu năm tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước). “CPI tháng 2 năm nay tăng cao là bình thường nhưng tốc độ tăng sẽ giảm dần nên năm nay lạm phát không còn là nỗi đe dọa”, PGS TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết.
Cụ thể: So với tháng đầu năm 2023, CPI tháng 2/2023 chỉ tăng 0,45% trong khi tháng 1/2023 tăng 0,52% tức là tốc độ tăng đã giảm dần. Nhìn xa hơn, tháng 2 năm 2022 và 2021, CPI tăng 1% và 1,52% (so với tháng trước) thì với tốc độ tăng 0,45% năm nay có thể nói là rất thấp.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, trong tháng 2 năm nay chỉ có 5 nhóm hàng tăng giá trong khi có tới 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng 1/2023. Trong số nhóm hàng tăng giá đều liên quan đến lễ hội và xăng dầu như: Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và giao thông. Riêng nhóm giao thông đã tăng 2,11% do giá xăng dầu tăng 5,66%. Như vậy, nếu không tính đến yếu tố bất thường là lễ hội và xăng dầu, CPI tháng 2/2023 và 2 tháng đầu năm nay khá thấp. Vì từ đầu năm đến nay, qua 6 đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo định kỳ đã khiến mặt hàng này tăng 8,11% (giá xăng tăng 2.520 đồng - 2.570 đồng/lít) đã chiếm phần lớn trong tốc độ tăng CPI của 2 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh quay trở lại, nhu cầu nhà ở của người lao động tăng nên giá thuê nhà tăng cũng góp phần làm tăng CPI.
“Lạm phát tháng 2/2023 và 2 tháng đầu năm nay không có gì đáng lo ngại, ngược lại còn tác động thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi đặt trường hợp lạm phát tăng thấp hoặc giảm sẽ tác động ngay đến tăng trưởng kinh tế vì cầu giảm, giảm động lực hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ, nếu tiêu dùng nội địa không tăng thì khó có thể bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP như đã đặt ra”, PGS TS Nguyễn Thường Lạng cho biết.
Theo ông Lê Trung Hiếu, trong tháng 2/2023, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao; nông nghiệp, chăn nuôi và hoạt động nuôi trồng thủy sản ổn định; chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2023 tăng cao; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới tính đến ngày 20/2 đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần và số dự án cấp mới cũng gấp tới 1,4 lần cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến ước đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm trước...
Với những chỉ đạo quyết liệt và nhiều giải pháp rất mạnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công bắt đầu có những chuyển biến rất tích cực.
Trong tháng 2/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước (vốn Trung ương quản lý đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7%; vốn địa phương đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 33%).
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt gần 46,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước). “Từ thực tiễn giải ngân tích cực và những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi tin đầu tư công hoàn toàn có thể là động lực tốt cho tăng trưởng trong năm nay”, lãnh đạo TCTK cho biết..
Năm 2023, số vốn đầu tư công được giao tăng thêm khoảng 140.000 tỷ đồng so với năm ngoái, tương đương tăng 25%, tức là trên 750.000 tỷ đồng phải được đưa vào nền kinh tế. "Từ những ngày cuối tháng 12/2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tập trung rà soát và phân bổ nguồn vốn này tới các chủ đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng để các chủ đầu tư căn cứ vào số lượng vốn được giao và bắt tay ngay vào lập kế hoạch để triển khai thực hiện", ông Bùi Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết.
Đứng đầu cả nước về vốn đầu tư công được giao, năm nay, ngành Giao thông vận tải sẽ phải giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng, lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc phân bổ chi tiết cho các dự án từ rất sớm thì việc lên kế hoạch, đốc thúc các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án giải ngân vốn, tránh dồn áp lực vào những tháng cuối năm cũng đã được triển khai sớm quyết liệt. Năm nay, ước tính mỗi tháng trung bình ngành Giao thông sẽ phải giải ngân hơn 7.800 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn
Theo công bố của TCTK, trong tháng 2/2023, Việt Nam có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 65,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 51,1 nghìn lao động, giảm 18,5% về số doanh nghiệp đăng ký, giảm 33,8% về vốn đăng ký và giảm 25,6% về số lao động so với tháng 1/2023.
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,4% về số doanh nghiệp, giảm 23,1% về số vốn đăng ký và giảm 29,6% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 2/2023 đạt 7,4 tỷ đồng, giảm 18,9% so với tháng trước và giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, trong tháng 2/2023 Việt Nam còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 164,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 119,6 nghìn lao động, giảm 3% về số doanh nghiệp, giảm 40,7% về vốn đăng ký và giảm 20,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 358 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.605 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2023 là 522,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Trung Hiếu cũng nhìn nhận: Mặc dù bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, song còn khá nhiều khó khăn cần lưu ý: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang một số thị trường chủ yếu giảm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký điều chỉnh tính đến ngày 20/2 chỉ đạt 535,4 triệu USD (giảm 85,1%) trong khi vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm cũng giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn… Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Việc tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc và củng cố niềm tin là vô cùng quan trọng lúc này để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đề xuất.
Trước bối cảnh này, lãnh đạo TCTK đã đề xuất các bộ, ngành cần tiếp tục bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điện tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao.
Nhân tố chính giúp ngành sản xuất tại Việt Nam khởi sắc là nhu cầu thị trường cải thiện
S&P Global Market vừa có báo cáo đánh giá, sức khoẻ ngành sản xuất tại Việt Nam bắt đầu cải thiện dần sau thời kỳ suy giảm kéo dài 3 tháng. Kết luận này được đưa ra căn cứ vào chỉ số chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 2/2023 đạt 51,2 điểm, tăng 3,8 điểm phần trăm so với tháng trước. Trong khi 3 tháng trước đó, chỉ số này liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm.
Chỉ số PMI được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. PMI lấy ngưỡng 50 điểm, trong đó, lĩnh vực sản xuất được xác nhận có sự mở rộng nếu chỉ số đạt trên 50 và thu hẹp nếu dưới 50.
Theo S&P Global Market, các doanh nghiệp được khảo sát cũng cho thấy tâm lý kinh doanh đã được cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Niềm tin kinh doanh đạt mức cao hơn trung bình của lịch sử chỉ số. Một số doanh nghiệp cho rằng: Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc cũng thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.
Tuy nhiên, mối lo ngại kéo dài của doanh nghiệp vẫn là lạm phát khi cả chi phí đầu vào và giá bán hàng trong tháng 2/2023 đều tăng với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng.