So với tháng 12/2022, CPI tháng 2/2023 tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Bình quân 2 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%.
Theo đó, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 6 nhóm hàng giảm giá. Đại diện TCTK cho biết: Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2/2023 giảm 0,17% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,26%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm giảm 0,49%, tác động giảm 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,45%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.
Tháng 2/2023, giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày đầu tháng 2 tăng mạnh giúp chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,26% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,1%. Cụ thể: Giá gạo tẻ thường dao động từ 13.000 - 16.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 18.800 - 22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.800 - 21.500 đồng/kg; giá gạo nếp từ 26.000 - 36.000 đồng/kg.
Do quy luật tiêu dùng giảm sau Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng, giá thực phẩm tháng 2/2023 giảm 0,49% so với tháng trước. Giá thịt lợn tháng 2/2023 giảm 1,62% so với tháng 1/2023, trong đó khu vực thành thị giảm 1,82%; khu vực nông thôn giảm 1,48%. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả giảm 0,25% so với tháng trước. Ngược lại, giá thịt hộp tăng 0,55%, thịt chế biến khác tăng 0,42%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng cũng giảm giá như: Thịt gà, thịt gia cầm khác. So với tháng trước, giá mỡ động vật giảm 0,69%; thịt bò giảm 0,5%; bánh, mứt, kẹo giảm 0,21%; chè, cà phê, cacao giảm 0,01%.
Do các công ty sản xuất bánh kẹo và bếp ăn tập thể giảm nhập hàng khiến giá trứng các loại giảm 1,95% so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ không nhiều, Thời tiết thuận lợi nên nguồn cung rau dồi dào, giá rau giảm 2,81% so với tháng trước. Trong đó, giá su hào giảm 8,9%; bắp cải giảm 7,3%; khoai tây giảm 3,94%; rau tươi khác giảm 3,61%; rau gia vị các loại giảm 3,34%.
Tuy nhiên theo TCTK, do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng làm giá thủy sản tươi sống tăng 0,37% so với tháng trước; dầu thực vật tăng 0,42%; nước mắm, nước chấm tăng 0,73%; quả các loại tăng 1,24%; đồ gia vị tăng 0,14%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,3%. Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 02/2023 tăng 0,45% so với tháng trước do sau Tết Nguyên đán, nhu cầu du xuân lễ hội đầu năm tăng cao, trong đó giá ăn ngoài gia đình tăng 0,42%; uống ngoài gia đình tăng 0,48%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,65%.
Trong khi đó, do quy luật tiêu dùng giảm sau Tết Nguyên đán nên giá rượu bia giảm 0,22% so với tháng trước; thuốc hút giảm 0,12%. Riêng giá nước quả ép và nước tăng lực tăng lần lượt 0,47% và 0,34% do nhu cầu tiêu dùng cao khi tham gia du xuân và lễ hội đầu năm mới.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 2/2023 tăng 1,81% so với tháng trước. Diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau: Giá gas tăng 14,56% so với tháng trước do từ ngày 01/02/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 63.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 192,5 USD/tấn (từ mức 597,5 USD/tấn lên mức 790 USD/tấn); giá điện sinh hoạt tăng 1,12% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng cao.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,99% do giá thép tăng cao chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như: Quặng sắt, than mỡ, thép phế liệu, cuộn cán nóng… tăng. Giá thuê nhà tăng 0,28% so với tháng trước do nhu cầu thuê nhà để ở tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ngược lại, giá dầu hỏa giảm 1% so với tháng 01/2023 do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 13/02/2023 và 21/02/2023; giá nước sinh hoạt giảm 2,06% so với tháng trước do nhu cầu sử dụng nước giảm so với tháng trước. Trong đó, giá nước sinh hoạt của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 10,33% do người dân trở về quê trong dịp Tết Nguyên đán 2023 nên khối lượng tiêu thụ nước sinh hoạt giảm so với tháng trước.
Do ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây khiến chỉ số giá nhóm giao thông tháng 2/2023 tăng 2,11% so với tháng trước. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,58%, trong đó giá dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 32,92%; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 6,63% do nhu cầu đi lại trong tháng Giêng Âm lịch tăng cao.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 02/2023 giảm 0,57% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm, trong đó nhóm dịch vụ giáo dục giảm 0,66%. Nguyên nhân do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Theo TCTK, CPI 2 tháng đầu năm nay tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Các yếu tố làm tăng CPI trong 2 tháng đầu năm nay là: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; giá các mặt hàng thực phẩm; giá điện sinh hoạt bình quân 2 tháng đầu năm 2023 tăng 3,04% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 2 tháng đầu năm nay tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch 2 tháng đầu năm tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 2 tháng đầu năm nay là giá xăng dầu trong nước giảm 7,14% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,26 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông bình quân 2 tháng giảm 0,24% so với cùng kỳ năm 2022 do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.