Đây là một trong những nhóm hàng xuất khẩu có tiềm năng phát triển, với nhiều giải pháp đồng bộ năm nay xuất khẩu rau quả có thể đạt 3,8 tỷ USD.
Hiện Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 74% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 8 tháng đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, nhiều thị trường khác cũng có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh như Thái Lan (tăng 38%), Australia (tăng 36%), Hoa Kỳ (tăng 26,3%) và Hàn Quốc (tăng 21,4%).
Trong tháng 9/2018, giá một số loại trái cây tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng đáng kể. Giá mít Thái ở Đồng bằng sông Cửu Long được các thương lái thu mua với giá từ 54.000 - 55.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg so cách đây một tháng. Đây là lần đầu tiên giá mít Thái lập một kỷ lục mới phá vỡ mức cũ là 50.000 đồng/kg trong những năm qua.
Ngoài ra, thị trường sầu riêng tại Đắk Lắk tăng mạnh với mức giá 68.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi giá năm ngoái là khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg với điều kiện thời tiết thuận lợi khiến sầu riêng được mùa.
Thanh long mua tại vườn ở tỉnh Bình Thuận cũng bất ngờ đạt mức giá từ 22.000-25.000 đồng/kg. Trong khi đó, bơ Booth (bơ muộn) tại Tây Nguyên chỉ đạt mức giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, trong khi mức giá của năm ngoái là từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Lý do giá loại bơ này giảm là do tình trạng mở rộng diện tích trồng bơ Booth tự phát, thiếu tính bền vững trong khi loại trái cây này chưa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam 9 tháng năm 2018 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, nhập khẩu rau ước đạt 330 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 911 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất là Thái Lan (chiếm 45% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 22%).