Đáng lưu ý, quy luật cho thấy lượng đơn hàng thường rơi vào các quý cuối năm sẽ tăng thêm sức bật cho xuất khẩu chinh phục đỉnh cao mới.
Theo nhận định từ giới phân tích, với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang duy trì xu hướng thuận lợi, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt khoảng 239 tỷ USD, tăng trưởng 10 - 12%.
Tăng trưởng khả quan
Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng quý III/2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 64,73 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD, chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong 9 tháng, đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện đạt 36,1 tỷ USD; hàng dệt may đạt 22,6 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,6 tỷ USD...
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, nhìn chung tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong 9 tháng cũng tăng khá như thủy sản tăng 6,9%; rau quả tăng 15,2%; gạo 22,1%.
Riêng dầu thô, tính chung 9 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá xuất khẩu bình quân tăng 37,5%. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 24,6% về giá trị và giảm 45,2% về lượng.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý III/2018, kim ngạch nhập khẩu đạt 62,70 tỷ USD, tăng 16%.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Các chuyên gia thương mại cho biết: Trong 9 tháng qua đã có 30 mặt hàng tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó có 3 mặt hàng trên 10 tỷ USD, chiếm 38,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch nhập khẩu 9 tháng cao là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải; sắt thép; chất dẻo; xăng dầu...
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết: Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã đảo chiều và thường cao hơn khối FDI.
Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Ngoại trừ thị trường Chile, xuất khẩu sang thị trường các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong 9 tháng so với cùng kỳ năm 2017 như thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Đặc biệt, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của việc tuyên truyền về hội nhập và cách tận dụng cam kết hội nhập, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Bộ Công Thương.
Nỗ lực cán đích
Nhìn nhận về tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho hay: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Không những thế, đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
Ông Dương Duy Hưng cũng phân tích thêm: Cuộc chiến thương mại trong những tháng qua chưa gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng đã thể hiện kết quả tích cực do tận dụng được cơ hội xuất khẩu.
Tuy nhiên, về lâu dài, căng thẳng trong quan hệ chính trị, thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn là những thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu.
Cùng đó, chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Mỹ mới lại áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Mức thuế chống bán phá giá đối với tôm và cá tra trong những tháng đầu năm 2018 ở mức cao.
Mặc dù vậy, mức thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra Mỹ công bố gần đây nhất (trong tháng 9) đã giảm nhiều so với mức thuế công bố sơ bộ, tạo tâm lý tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Các chuyên gia thương mại khẳng định: 3 tháng cuối năm cho xuất khẩu không phải là dài, vì thế Bộ Công Thương sẽ chủ trì, tổng hợp tình hình các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, nhất là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động điều hành và có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Mặt khác, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp.
Đặc biệt, đổi mới toàn diện xúc tiến thương mại theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, chú trọng các chương trình dài hơi và hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể thay cho các chương trình chỉ thực hiện trong vòng một năm như hiện nay.
Cũng theo các chuyên gia, tới đây Bộ cũng tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, nhất là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…
Hơn nữa, Bộ sẽ tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp C/O; đề xuất các biện pháp tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O.
Đặc biệt, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hành Báo cáo đánh giá thị trường nông, thủy sản; trong đó đưa ra những thông tin, dự báo và đánh giá về tình hình cung cầu, giá cả, thị trường để doanh nghiệp và người dân có thông tin định hướng cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu…