Sản xuất kính hộp tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Châu Á (CAG) tại khu công nghiệp Thạch Thất-Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam/TTXVN |
Để hoàn thành mục tiêu này, Hà Nội tiếp tục tập trung cải cách hành chính; trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Trung ương trên địa bàn; nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất; tiếp tục thực hiện kết nối cung – cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu.
Đối với công tác cải cách hành chính, UBND thành phố Hà Nội giao Cục Thuế Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, các bước trong công tác quản lý thuế để tạo thuận lợi, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp thực hiện các chính sách thuế.
Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thí điểm hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa đường không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; thực hiện đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu và khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2018.
Thành phố cũng phân công Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các loại giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi qua hệ thống điện tử cấp độ 3, cấp độ 4; tham gia cơ chế cấp chứng nhận xuất xứ một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN theo cam kết của Chính phủ với các nước ASEAN…
Đối với việc xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, UBND thành phố Hà Nội giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn; dành vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh xuất khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp tại một số ngân hàng, quận, huyện, thị xã; hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Công Thương, Cục Hải quan Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức các chương trình tập huấn cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường nước ngoài, các Hiệp định thương mại tự do, chính sách pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.
Đến hết quý I/2018, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 8,5%, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 617.490 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ; khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1.137 nghìn lượt người; kim ngạch xuất khẩu đạt 155 triệu USD, tăng 16,9%; thu hút đầu tư xã hội đạt khá, tăng 9,5%...