Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là nơi thu hút lượng kiều hối lớn nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng khoảng 10-15% mỗi năm, thậm chí có năm chiếm đến 50% tổng lượng kiều hối cả nước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, lượng kiều hối về thành phố đã vượt 4 tỷ USD và đang tiếp tục tăng nhanh. Với tốc độ hiện tại, nhiều khả năng TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành kế hoạch đạt 5,2 tỷ USD kiều hối trong năm 2019, tăng khoảng 200 triệu USD so với năm 2018.
Đánh giá kiều hối về nước tăng mạnh, đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, do tình hình kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định, nhiều kiều bào gửi tiền về để đầu tư, kinh doanh tăng. Thêm nữa, áp lực tiền tệ do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến tỷ giá lên cao, vì thế nhiều kiều bào cũng tranh thủ chuyển tiền về đổi qua VNĐ tích trữ.
Ông Sheshagiri (Sukesh) Mailiah, Giám đốc Khu vực tiểu lục địa Ấn Độ, Malaysia và Đông Dương của MoneyGram, nhận định dòng kiều hối chuyển về Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong năm qua và sẽ tích cực trong năm nay, kể cả khi tình hình thế giới có nhiều biến động. Hiện Việt Nam nằm trong số mười quốc gia hàng đầu, đứng thứ hai trong ASEAN, sau Philippines, về lưu lượng chuyển tiền trong nước trên thế giới.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang có nguồn lực to lớn là 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Do vậy, lượng kiều hối về Việt Nam tăng liên tục và vào Top 10 thế giới năm 2017, đạt 13,81 tỷ USD. Năm 2018, lượng kiều hối đạt gần 16 tỷ USD và dự báo sẽ không ngừng "chảy" về Việt Nam năm nay, dù thế giới có nhiều biến động.
Hiện tại, kiều bào chuyển tiền về nước chỉ có thể thông qua các kênh như chuyển trực tiếp từ ngân hàng nước ngoài về tài khoản ngân hàng trong nước, chuyển thông qua các công ty chuyển tiền như Western Union, MoneyGram hoặc nhờ người quen cầm về. Các quốc gia chuyển kiều hối hàng đầu cho Việt Nam vẫn chủ yếu từ Hoa Kỳ, Campuchia, Úc và Pháp có cộng đồng người Việt chiếm ưu thế. Ngoài ra, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước và vùng lãnh thổ dự kiến có sự gia tăng do nguồn xuất khẩu lao động tăng.