Xuất khẩu lấy lại “nhịp” tăng trưởng
Trong bối cảnh hầu hết các nước phải hạ mức tăng trưởng, 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu của kinh tế Việt Nam vẫn gặp khó khiến GDP năm 2023 dự báo chỉ tăng 5%. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng: Dù không đạt mục tiêu, nhưng những nỗ lực của Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng trong bức tranh xám màu của thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), sau khi đột ngột giảm trong tháng 9/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương.
“Tuy nhiên nếu tính trong 10 tháng năm nay, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá trị kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đà giảm đã chậm lại. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính mốc 9 tháng năm 2023 sơ bộ giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước”, đại diện TCTK cho biết.
Trong 10 tháng năm nay có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Nhìn chung, trong tổng số 34 mặt hàng xuất khẩu chính có 15 mặt hàng ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2023 ước đạt 29,31 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
“Từ tháng 6/2023 tới nay, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản dần hồi phục. Riêng tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Sao Mai, tỉnh An Giang. trước nên tổng kim ngạch trong quý III/2023 chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay. Một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước, cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào những tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu cho ngành thủy sản. Đối với mặt hàng tôm, ngành hàng ‘tỷ đô’, từ chỗ xuất khẩu âm quá 30%, đến nay còn âm chưa đầy 10%”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu bị cạnh tranh, nhất là mặt hàng tôm thẻ chân trắng và cá tra, dù đang chiếm 93% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, nhưng sản lượng xuất khẩu đang bị sụt giảm nhiều từ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
“Thách thức lớn nhất hiện nay của thủy sản Việt Nam là châu Âu siết chặt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trên nguyên tắc các thành phần theo chuỗi khai thác - chế biến trên cạn cũng phải được đánh giá theo tiêu chuẩn của châu Âu. Ngoài ra, bệnh dịch tôm ‘hậu ấu trùng trong suốt’ chưa có phác đồ điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi, khiến sản lượng tôm giảm, giá thành tăng sẽ rất khó cạnh tranh”, ông Nguyễn Hoài Nam lo ngại.
Một ngành hàng khác cũng nhiều khả năng phục hồi là dệt may. Gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng xuất hiện nhiều tín hiệu khởi sắc hơn.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho biết: “Trong bối cảnh đơn hàng tại thị trường Hoa Kỳ, EU sụt giảm mạnh, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang khối các thị trường Trung Đông và Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Mặc dù đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh cao nhưng vẫn có thể làm được và thuận lợi về logistics”.
“Quý IV, ngành dệt may khởi sắc hơn khi thị trường nội địa và xuất khẩu đã có nhu cầu trở lại. Tuy thị trường xuất khẩu chưa đạt được mục tiêu như các năm, nhưng đơn hàng của doanh nghiệp đã dần phục hồi khoảng 80% so với trước. Điều này đã tạo động lực thôi thúc doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành đơn hàng sản xuất”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết.
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 10 tháng của Việt Nam là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua.
Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) vào các tháng cuối năm. Tính chung 10 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước ước đạt 65,8% kế hoạch, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.
“Thời gian qua, việc dồn nguồn vốn lớn cho đầu tư công là hướng đi đúng, giúp tháo gỡ được các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, đồng thời thúc đẩy giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp và lan tỏa đến nguồn vốn huy động trong xã hội, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Kích tổng cầu trong nước
Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước được xác định là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Nghị quyết số 43/2022/ QH15 về hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đã triển khai 2 năm qua, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho doanh nghiệp, người dân.
Chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đang được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023 cho hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ các nhóm hàng gồm: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. “Quốc hội đang thảo luận kéo dài việc giảm 2% thuế VAT đến hết hết ngày 30/6/2024, bởi phát sinh yếu tố mới sau khi ban hành Nghị quyết 43 là xung đột Nga - Ukraine”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, nguyên Tổng cục trưởng TCTK, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng: Chính phủ cần khẩn trương thực hiện hiệu quả giải pháp kích cầu, tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
“Thực hiện kích cầu bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân để tăng sức mua; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng; đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp”, TS Nguyễn Bích Lâm đề xuất.
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia:
Cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu, gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư. Chúng ta cần quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế. Việc này đang rất chậm, gây lãng phí nguồn lực.
Ở nhóm động lực mới, cần phải hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế số, nâng năng suất lao động. Việt Nam cần thành lập Ủy ban năng suất quốc gia để có cơ chế chính sách thúc đẩy năng suất.
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
Chúng ta cần phải khơi thông các nhu cầu trong nước, đặc biệt thúc đẩy nguồn lực ở khu vực bất động sản. Bên cạnh đó, hướng tới xuất khẩu dịch vụ thông qua việc mở rộng thị trường du lịch để thu hút khách quốc tế. Đây sẽ là những hướng đi để tăng tổng cầu cho kinh tế. Tình trạng đình trệ trong nền kinh tế từ đầu năm đến nay không chỉ xảy ra ở khu vực công, mà còn ở cả khu vực doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp hầu như không có khả năng tăng trưởng, khả năng hấp thụ vốn, hấp thụ lao động và các chính sách hỗ trợ gần như bị bão hòa.