Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu
Đặc biệt đối với hàng nông, lâm, thủy sản, các doanh nghiệp cần tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể: Đối với thị trường trong nước dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu trong nước... Cuối năm còn là cơ hội để thu hút du lịch trong nước và quốc tế mùa cao điểm, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu 13 triệu khách quốc tế năm 2023.
Theo đó, các Bộ, sở ban hành cần có giải pháp phối hợp liên ngành, vùng và địa phương về quảng bá, xúc tiến du lịch, vận tải (đặc biệt vận tải hàng không), xuất nhập cảnh, quản lý thị trường. Việc phát triển du lịch bền vững, phát triển các sản phẩm du lịch mới, giá trị gia tăng cao luôn được chú trọng trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, các Bộ, sở ban hành cần tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp để tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại từng thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết, Hiệp định thương mại tự do (FTA với Israel.
Các Bộ, sở, ban ngành cần tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa, thúc đẩy phát triển logistics để giảm thời gian, chi phí xuất khẩu; tháo gỡ quyết liệt, hiệu quả ách tắc, khắc phục "thẻ vàng" (IUU) của ngành Thủy sản; tăng cường đàm phán, trao đổi thông tin, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Trung Quốc; kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.
Đồng thời, đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)..., khai thác thị trường thực phẩm Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của kinh tế Việt Nam cần được lưu ý, đó là tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư, hình thành hệ sinh thái chíp, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao.
Việt Nam cần xây dựng Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực; phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để xây dựng trung tâm nghiên cứu - phát triển, tiến tới thiết kế các sản phẩm chíp, bán dẫn tại Việt Nam... Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế cả trong trung và dài hạn.
Tiếp tục có các chính sách thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới Hydrogen; xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Xu hướng phục hồi ở 3 động lực của nền kinh tế
Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 diễn ra sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kinh tế vĩ mô tháng 10/2023 và 10 tháng năm nay cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước.
Cụ thể: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng 3,59% so với cùng kỳ, bình quân 10 tháng năm nay tăng 3,2%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 10/2023 tăng lần lượt 5,6%, 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước (51,34%).
Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá; tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn.
Trong 10 tháng qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới.
Qua đó, các khó khăn, vướng mắc, bất cập được tập trung tháo gỡ, đã đạt kết quả bước đầu, nhất là về cơ chế, chính sách, pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, phòng cháy, chữa cháy, cung ứng điện, xăng dầu… Nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất là về tài khóa, tiền tệ được tích cực triển khai để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng: Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính; thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả. Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô.
Mặc dù gần đây, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển tích cực hơn nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi sát để chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời tình huống phát sinh. Hiện, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; thiên tai diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội.
Từ nay tới cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị các bộ, cơ quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các Dự án luật, Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 6; triển khai nhanh, hiệu quả ngay sau khi được ban hành; tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư... đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực.
“Việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính cần tiếp tục đẩy mạnh; tiếp tục xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền; quyết liệt sửa đổi, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập đã được các tổ công tác của Quốc hội, Chính phủ chỉ ra”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.