Kiến tạo nên một sắc thuế hợp lý, đạt được các mục tiêu đề ra

Mọi động thái thay đổi trong các sắc thuế đều luôn được cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Việc tăng hay giảm thuế vừa tác động trực tiếp đến ngân sách Nhà nước do thuế là nguồn thu chủ yếu, vừa tạo ra những ảnh hưởng mang tính thúc đẩy hoặc kìm hãm một số ngành nghề kinh doanh bởi vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp”, do báo Đầu tư tổ chức, đã diễn ra sáng 14/8, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về: “Thực trạng ngành đồ uống có cồn và chuỗi cung ứng” của bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA); “Thuế tiêu thụ đặc biệt và vai trò công cụ điều tiết vĩ mô đối với ngành bia rượu” của ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý, Deloitte Việt Nam; “Phân tích xu hướng hành vi tiêu dùng đối với mặt hàng đồ uống có cồn” của bà Lê Minh Trang, Phó Giám đốc, Bộ phận nghiên cứu bán lẻ, Công ty NielsenIQ Việt Nam.

Cùng với đó, là phiên thảo luận chung, với sự góp mặt của các diễn giả: Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam; ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, điều hành phiên thảo luận chung.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, chia sẻ: Mọi động thái thay đổi trong các sắc thuế đều luôn được cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Việc tăng hay giảm thuế vừa tác động trực tiếp đến ngân sách Nhà nước do thuế là nguồn thu chủ yếu, vừa tạo ra những ảnh hưởng mang tính thúc đẩy hoặc kìm hãm một số ngành nghề kinh doanh bởi vai trò quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế của thuế. 

Với ý nghĩa đó, Báo Đầu tư tổ chức loạt hội thảo và tọa đàm với chủ đề “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” nhằm mục đích tạo nên các diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách cùng lắng nghe, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đặc biệt là một chủ thể quan trọng của nền kinh tế, đó chính là các nhà doanh nghiệp, để sao cho các chính sách thuế khi được hoạch định sẽ có thêm kênh thông tin phản hồi từ thực tế, từ đó đạt được sự hài hòa về lợi ích gồm động viên thêm các nguồn thu ngân sách Nhà nước, điều tiết sản xuất, tiêu dùng và thu nhập theo tình hình thực tế nhưng vẫn đảm bảo ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra các dư địa thu thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chú thích ảnh
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Lê Trọng Minh, tiếp theo cuộc tọa đàm truyền hình được tổ chức cách đây 2 tháng về chủ đề này, với một nội dung được quan tâm đặc biệt trong Dự thảo Luật Thuế GTGT liên quan đến thuế suất với mặt hàng phân bón và các loại máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều năm qua nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững, đồng thời thực hiện mục tiêu thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT; thì hội thảo hôm nay sẽ tập trung thảo luận về một sắc thuế đặc biệt liên quan đến ngành bia – rượu – nước giải khát, ước tính đóng góp khoảng 60 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4% thu ngân sách Nhà nước trong năm 2023. Đây cũng là nội dung đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) để thực hiện điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia.

“Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính đề xuất nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia. Mục tiêu của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn tại Việt Nam được đánh giá là khá tương đồng với mục tiêu cơ bản tại các quốc gia trên thế giới, trong đó mục tiêu cơ bản nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, điều tiết lượng sử dụng và hạn chế tình trạng lạm dụng rượu/bia. Bên cạnh đó, mục tiêu về đảm bảo bền vững nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng được nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Các diễn giả tham dự toạ đàm.

Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành bia rượu nước giải khát nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước… Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan”, ông Lê Trọng Minh khẳng định.

“Là lĩnh vực không chỉ liên quan đến các doanh nghiệp và người lao động trực tiếp trong ngành mà còn hàng triệu lao động trong các ngành liên quan, chắc chắn các tác động từ việc điều chỉnh thuế TTĐB sẽ không nhỏ. Vì vậy, BTC hy vọng những phân tích, kiến giải từ đại diện các bên tham gia hội thảo sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, đưa ra những đề xuất hợp lý, thiết thực để các nhà hoạch định chính sách sẽ kiến tạo nên một sắc thuế hợp lý, đạt được các mục tiêu đề ra, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, chia sẻ tại Hội thảo.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Còn theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Đối với mặt hàng rượu, bia: quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

"Theo đó, chúng tôi hoàn toàn đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia theo theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội.  Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng  hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dung thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột", bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng cục Thuế doanh nghiệp, chia sẻ tại Hội thảo.

Còn ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Cục trưởng cục Thuế doanh nghiệp, chia sẻ: "Thuế nói chung cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, nhiệm vụ chính của nó là sáng tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời việc thu thuế sẽ tác động thay đổi hành vi về sản xuất, về tiêu dùng, về thu nhập. Cùng với việc đó sẽ có tác dụng trong việc tác động đến quan hệ cung cầu, quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên thuế không phải là chìa khóa vạn năng, mục tiêu chính vẫn là để sáng tạo nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước. Việc điều chỉnh các loại thuế cũng nằm trong chiến lược bài bản của nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh bây giờ, chúng ta phải tích cực chống tham nhũng, cho nên chính sách thuế càng phải công tâm, càng phải hiệu quả, càng phải nghiên cứu kỹ càng".

Chú thích ảnh
Bà Lê Minh Trang​, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu bán lẻ, NielsenIQ, phát biểu.

Theo bà Lê Minh Trang​, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu bán lẻ, NielsenIQ: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gây áp lực cho người tiêu dùng. 

Bà Lê Minh Trang chia sẻ: Trước đó, với sự thay đổi của Nghị định 100 về tăng mức xử phạt đối với các tài xế sử dụng đồ uống khi tham gia giao thông, có thể thấy, doanh thu của các nhà hàng, quan ăn phân phối sản phẩm bia đã bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng cũng bắt đầu giảm tần suất uống bia bên ngoài và điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu của ngành bia tại kênh này, và cụ thể hơn là phân khúc cao cấp của ngành bia.

Báo cáo nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng trong quý II/2024 của NielsenIQ cho thấy, hai trong những cách phổ biến được 50% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn - Hà Nội và TP Hồ Chí Minh áp dụng là cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, bao gồm ăn uống tại các nhà hàng bên ngoài và tối ưu việc nấu ăn tại nhà. Sự thay đổi này trực tiếp ảnh hưởng đến sự sụt giảm doanh thu sản của chuỗi nhà hàng, quán ăn liên tục từ tháng 1/2023 đến nay. Tính trong 12 tháng gần đây, mức sụt giảm này là 6% trên cả nước và 11% tại 6 thành phố lớn, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, từ hơn 2 năm trở lại đây, NielsenIQ ghi nhận, nhóm các sản phẩm bia có nồng độ cồn thấp đang được người tiêu dùng đón nhận với việc gia tăng gần 35% sản lượng trong 12 tháng gần đây so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tại khu vực 6 thành phố lớn và kênh hiện đại Việt Nam. 

Xu hướng trên đều bắt nguồn từ mối quan tâm lớn của người tiêu dùng Việt Nam đến vấn đề sức khỏe trong vài ba năm trở lại đây. Và xu hướng này có khả năng tiếp tục được duy trì và tác động đến ngành bia trong tương lai tới.

Cũng trong 2 năm gần đây, NielsenIQ nhận thấy xu hướng tiêu dùng phân cực liên quan đến phân khúc giá của sản phẩm diễn ra trong ngành bia với sự tăng trưởng ở cả 2 phân khúc khác biệt là bình dân và siêu cao cấp. 

Tuy nhiên, với tác động của việc tăng thuế TTĐB, NielsenIQ cho rằng nhóm phân khúc tiết kiệm có thể vẫn giữ được vị thế, là phân khúc chính, đóng góp khoảng 55 - 60% sản lượng của ngành hàng như hiện nay, còn phân khúc siêu cao cấp sẽ cần quan sát thêm. Điều này, sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp có sản phẩm ở phân khúc tương ứng.
 

Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung chia sẻ về:

-Lộ trình tăng thuế nên thế nào là hợp lý để đảm bảo các mục tiêu điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; và đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.

-Tâm lý hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi thế nào và cần có những giải pháp gì để ứng với sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng sang những sản phẩm không chính thống, không đảm bảo chất lượng khi giá tăng do thuế cao?
Bài, ảnh, video: Thu Trang/Báo Tin tức
Chính sách thuế cần tạo ổn định cho môi trường đầu tư 
Chính sách thuế cần tạo ổn định cho môi trường đầu tư 

Tại một sự kiện mời gọi đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mới đây, CEO một doanh nghiệp công nghệ nói rằng khi đầu tư vào Việt Nam, một trong những yếu tố mà họ vô cùng cân nhắc trong quyết định của mình chính là sự ổn định trong chính sách của chính quyền sở tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN