Doanh nghiệp cần sự ổn định về chính sách
Đó cũng là quan điểm mà CEO một doanh nghiệp ngoại quy mô lớn trong ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam nhắc đến gần đây khi được hỏi về quan điểm liên quan đến việc Bộ Tài chính tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Vị CEO này cho biết: “Khi lên kế hoạch đầu tư, chúng tôi rất quan tâm đến sự ổn định về chính sách quản lý vĩ mô, chính sách thuế và ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Với số vốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD chúng tôi cần sự ổn định ít nhất từ 3 đến 5 năm về chính sách để đảm bảo cho đồng tiền bỏ ra và cân đối các chi phí”.
Việc chính sách có ảnh hưởng lớn như thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh liên tục có thể tạo ra tâm lý bất an, gây tổn hại đến hình ảnh môi trường đầu tư Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Từ sau đại dịch COVID-19 cho đến nay, các doanh nghiệp rượu, bia đã đối mặt với vô vàn khó khăn. Đại dịch COVID-19 và sau đó đến các cuộc biểu tình, xung đột ở châu Âu, Trung Đông và nhiều nơi khác làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu; các lệnh cấm vận về kinh tế, đặc biệt là về năng lượng và vận chuyển làm cho giá nguyên vật liệu tăng cao bất thường. doanh nghiệp ngành bia rượu nói riêng hiện vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và còn phải đối mặt với nhiều bất lợi.
Tại nội địa, nhóm các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đồ uống có cồn vốn đã đương đầu với nhiều khó khăn từ trước đó khi mà thuế tối thiểu toàn cầu đã tăng còn tại nội địa, thuế giá trị gia tăng cũng được điều chỉnh tăng.
"Doanh nghiệp chưa thể đánh giá hết được các tác động lớn của đề xuất liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt,” đại diện Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết.
Ủng hộ quan điểm cho rằng việc điều chỉnh tăng thuế suất theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia như cách tính hiện tại theo theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch , Hội tư vấn thuế Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế nói tại Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” cho biết, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dung thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc so tăng nhanh, đột ngột.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra. Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, gây thất thu thuế cho nhà nước, bà Cúc nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam người tiêu dùng ở nông thôn, có thu nhập thấp có nhiều khả năng chuyển cơ chế tự cung, tự cấp và bán lấy lãi bằng cách dân tự nấu rượu, tự pha chế, không nộp thuế TTĐB, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Theo đó mục tiêu hạn chế tiêu dùng, đảo bảo sức khỏe cộng đồng khó thức hiện.
Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cũng quan ngại “Việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB như Dự thảo - nếu được áp dụng - sẽ là cú “sốc” chưa từng có đối với ngành bia rượu và sẽ gây ra những tác động tiêu cực”. Tuy nhiên doanh nghiệp này cũng cho biết “chúng tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Tài Chính rằng việc tuân thủ qui định sử dụng bia rượu có trách nhiệm phải tiếp tục được chú trọng và đề cao trong các hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời, chúng tôi cũng ủng hộ quyết định của chính phủ trong việc duy trì phương pháp tính thuế tương đối. Chúng tôi tin tưởng rằng khi các bên cùng hợp tác và hỗ trợ nhau chúng ta sẽ có thể nhìn thấy những triển vọng tích cực của ngành, đồng thời thúc đẩy sự phát triển sôi động của thị trường”.
Một thị trường bia rượu không chính thức sẽ phát triển mạnh mẽ hơn
Tăng thuế quá nhanh khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm giá rẻ tự sản xuất, chất lượng thấp là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra bởi phải xét đến thực tế là ngoài thị trường bia rượu chính thức, đã và đang tồn tại một thị trường bia rượu không chính thức vốn đã phát triển rất mạnh trong suốt nhiều thập niên qua.
Huyện Chương Mỹ ngoại thành Hà Nội, tìm hiểu của phóng viên cho thấy một nhà nấu rượu đơn lẽ mỗi dịp Tết bán ra khoảng 1.000 lít rượu vào cả các nhà hàng và những hộ gia đình xung quanh, giá trung bình khoảng 40 nghìn đồng/lít. Còn trong các tháng còn lại của năm, lượng rượu bán ra của gia đình này ước tính cũng khoảng vài trăm lít/tháng.
Như vậy mỗi năm, một gia đình nấu rượu thủ công cũng bán ra thị trường hàng nghìn lít. Rượu này sau đó được hệ thống hàng chục nghìn nhà hàng trên cả nước nhập về bán song song với các sản phẩm chính thức.
Ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vào đầu năm 2022 cho thấy rượu từ khu vực phi chính thức, cụ thể là rượu thủ công và rượu lậu, ước tính khoảng 385 triệu lít/năm, trong đó rượu thủ công chiếm 70 đến 90% con số này. Và tất nhiên với hơn 380 triệu lít rượu này, nhà nước không thu được một đồng thuế. Khi thuế với các sản phẩm bia rượu chính thức được điều chỉnh tăng quá nhanh, việc người tiêu dùng chuyển sang dùng nhiều hơn các sản phẩm rượu phi chính thức.
Hơn nữa, nhìn từ các dữ liệu lịch sử, việc tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng, theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Phụng, Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính).
Theo số liệu mà ông Phụng dẫn ra, thống kê từ năm 2003 đến năm 2016 dựa trên số liệu của hiệp hội đồ uống và hiệp hội rượu bia và Tổng Cục thuế cho thấy trong 13 năm nay, từ lúc tiêu thụ bia/rượu bình quân đầu người 3,8 lít/người/năm tăng lên 6,6 lít/người/năm vào giai đoạn từ năm 2008 – 2010.
Đến năm 2016, thời kỳ kinh tế tăng trưởng đỉnh cao của giai đoạn vừa qua, mức tiêu thụ này lên đến 8,3 lít/người/năm. Như vậy rõ ràng từ năm 2003 đến năm 2016, rõ ràng mức độ tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người đã tăng gấp hơn 2 lần.
Tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia cũng trong khoảng thời gian trên tăng từ 1,4% lên 14%, gấp 10 lần trong giai đoạn này.
Cũng trong thời gian này, thuế áp dụng với mặt hàng rượu bia tăng rất nhiều nhưng thực tế không điều chỉnh được hành vi của người tiêu dùng.
Cơ cấu của bia trong tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt cũng có những thay đổi từ 31% vào năm 2018 lên tới 30% vào năm 2021 (giai đoạn cao điểm COVID nhiều người dân ở nhà nên thuế ít). Đến năm 2022 khi hết COVID con số này vọt lên mức 42%. Trên 1/3 thuế tiêu thụ đặc biệt đến từ bia.
Kết luận, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt không giúp làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hành vi của người tiêu dùng thực chất thay đổi do nghị định 100. Như vậy rõ ràng các biện pháp hành chính có tác dụng nhiều hơn thuế. Vì vậy Nguyên Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn đề xuất cần tiếp tục kéo dài các biện pháp hành chính, bởi theo ông, nó có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với sử dụng các công cụ thuế.
PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động.
Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng… Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế. Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.