Đánh giá tác động thuế
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến và sẽ được Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), Quốc hội khóa XV. Dự thảo có nhiều điểm mới đáng chú ý và ảnh hưởng lớn tới ngành đồ uống nói chung, đồ uống có cồn nói riêng.
Theo tờ trình về Dự thảo Luật thuế TTĐB, dẫn khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án về thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn 2026 - 2030.
Với phương án 1, năm 2026, khi tăng thuế suất các mặt hàng bia, rượu cao hơn 5% quy định hiện hành, giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025; phương án 2, năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành, giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025.
Sau đó trong 4 năm tiếp theo, với cả 2 phương án trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp, khiến giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Đến năm 2030, thuế suất thuế TTĐB với bia, rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 - 100% (cao hơn hiện hành 25 - 35%); rượu dưới 20 độ lên mức 60 - 70% (cao hơn hiện hành 25 - 35%).
Theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, mục tiêu của thuế TTĐB là hạn chế những sản phẩm không phải thiết yếu hoặc không có lợi cho sức khỏe. Với đồ uống có cồn, nếu lạm dụng sẽ không tốt cho sức khỏe. Việc đánh thuế TTĐB lên sản phẩm này là cần thiết. Theo khuyến cáo của WHO, các quốc gia cần tiếp tục lộ trình tăng cường các biện pháp hạn chế tiêu dùng các sản phẩm này. Việc ban hành luật Thuế sửa đổi trong giai đoạn này là phù hợp.
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó, việc áp dụng mức thuế khởi điểm cần được cân nhắc. Nếu muốn thay đổi hành vi tiêu dùng, sẽ ưu tiên đánh thuế cao. Nếu tính toán đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến doanh nghiệp, việc làm hay các ngành hàng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc và việc đánh thuế TTĐB cao là điều cần thiết.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, Bộ Tài chính chưa nêu được phương án tác động rõ ràng, dù có nêu trong dự thảo đánh giá tác động về yếu tố tăng giá. Các doanh nghiệp kinh doanh đều đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính là tăng thuế TTĐB, nhưng cần có lộ trình; mức khởi điểm tăng cũng như khoảng cách tăng trong các năm cần xem xét đến điều kiện “sức khỏe” của các ngành hàng liên quan đến rượu, bia, đồ uống có cồn và thực hiện theo Luật Phòng chống tác hại rượu bia khi tham gia giao thông.
Tại Tọa đàm "Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn" do VnEconomy tổ chức mới đây, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam cho rằng: Việc tăng thuế TTĐB là cần thiết, nhưng khi đánh giá tác động, cần phân biệt 2 mặt hàng bia, rượu, thay vì gộp chung trong nhóm đồ uống có cồn để ban hành chung chính sách, sẽ không hiệu quả, không giải quyết được bài toán mong muốn.
Lựa chọn phương án tăng thuế ổn định với rượu, bia, thuốc lá
Đối với rượu, bia, thuốc lá, đại diện VCCI khẳng định: Các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế TTĐB để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khoẻ.
Tuy nhiên, theo VCCI, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế mạnh và tốc độ tăng thuế nhanh đối với các mặt hàng này. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế, sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi vốn.
Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng: Trong quá trình thay đổi chính sách, tăng thuế TTĐB, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam. Đồng thời, cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp để đáp ứng điều tiết cho các nhóm đồ uống có cồn theo đặc thù của từng nhóm.
Ngoài ra, nghiên cứu để áp dụng mô hình áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp trong tương lai theo Quyết định 508/QĐ-TTg theo hướng nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB.