Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Lạng Sơn, các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (tạm dừng trước Tết 14 ngày và sau Tết 14 ngày) để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết. Nếu thực hiện như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản.
Trước tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các đoàn công tác, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và các đơn vị chức năng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới khẩn trương triển khai các giải pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn cùng với Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức họp về tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn.
Theo đó, hướng dẫn doanh nghiệp phối hợp chặt với cơ quan chức năng, nhất là cơ quan chức năng Việt Nam tại cửa khẩu các địa phương có đường biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh để có kế hoạch điều tiết, đưa hàng hóa lên cửa khẩu, chuyển sang các cửa khẩu ở tỉnh khác để thông quan. Doanh nghiệp kinh doanh nông sản cố gắng thực hiện đúng các quy định đã được hai bên thông báo và thực hiện biện pháp "5K" bảo đảm phòng chống dịch.
Hiện Bộ đang phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội liên hệ với các bên liên quan và chuẩn bị tổ chức họp với Tổng cục Hải quan và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để bàn giải pháp tháo gỡ ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Nhằm hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, Bộ đã yêu cầu các đơn vị của Bộ đóng tại các cửa khẩu với Trung Quốc và các địa phương phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu nông sản tuân thủ đúng quy định phòng chống dịch "5K" cho người, phương tiện và hàng hoá nông sản xuất khẩu. Các đơn vị chỉ hoàn tất thủ tục xuất khẩu hàng hóa nếu đảm bảo quy định "5K" và các quy định liên quan của cơ quan chức năng Trung Quốc.
Các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng tại các địa phương khuyến cáo các doanh nghiệp thường xuyên kết nối thông tin với tổ công tác của tỉnh Lạng Sơn để kịp thời nắm bắt thông tin, khả năng thông quan tại các cửa khẩu để điều tiết lượng hàng xuất khẩu cho phù hợp, tránh tối đa tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu. Các đơn vị phối hợp với lực lượng hải quan, biên phòng chủ động trao đổi với phía Trung Quốc để kịp thời xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt việc đáp ứng các yêu cầu về phòng chống COVID-19.
Nhằm giảm tải lượng xe ùn tắc tại các cửa khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc bảo quản hàng nông thủy sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét cho phép doanh nghiệp đã đưa hàng hóa nông thủy sản đông lạnh lên các cửa khẩu chờ xuất khẩu được phép gửi hàng hóa vào các kho lạnh của hệ thống kho ngoại quan tại các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai để bảo quản và chờ thông quan xuất khẩu. Việc đưa xe container vào kho ngoại quan sẽ giúp giảm lượng xe ùn tắc tại cửa khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc bảo quản hàng nông thủy sản chờ xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có các chính sách ưu đãi đặc thù, ưu tiên ngân sách nhà nước theo kiến nghị của địa phương khu vực biên giới cho phòng chống dịch COVID như: khử khuẩn, kiểm tra…; hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng cửa khẩu, kho, bãi, trung tâm trung chuyển, logistics, bảo quản nông sản tại các cửa khẩu.
Chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm đối với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh COVID-19 tại khu vực vùng đệm nhằm phát hiện sớm và cách lý người/hàng hóa mắc COVID-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để phát hiện ở điểm giáp biên giới dẫn đến "đóng biên tức thời".
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương dự báo, đánh giá tác động đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian giáp Tết trong trường hợp xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa với Trung Quốc và Trung Quốc dừng thông quan 14 ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước.
Bộ đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đàm phán, thúc đẩy hợp tác với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về thiết lập hạ tầng, kho bãi, kho ngoại quan hai bên để hiện đại hóa cửa khẩu, tạo thuận lợi thông quan, lưu trữ hàng hóa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 25/12/2021 là 4.204 xe. Trong số đó, cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị có năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 150-200 xe/ngày, tồn 1.442 xe; cửa khẩu chính Chi Ma có năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 35-40 xe/ngày, tồn 614 xe; cửa khẩu phụ Tân Thanh có năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 180-200 xe/ngày, tồn 2.148 xe.
Mặt hàng nông sản tồn chủ yếu: dưa hấu, thanh long, chuối xanh, mít, xoài, tinh bột sắn, chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo…
Tại tỉnh Quảng Ninh, từ 25/11/2021 đến nay do các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai thông quan khó khăn, do đó, các doanh nghiệp đưa hàng về cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng thông quan nên dẫn đến nhu cầu thông quan tăng đột biến. Thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) thiếu lái xe trung chuyển, xe Việt Nam phải xuất cảnh sang nhận hàng nên xảy ra ùn tắc cục bộ.
Tính đến hết ngày 24/12/2021, lượng hàng nông sản, hoa quả, thủy sản xuất khẩu còn tồn tại Quảng Ninh là 1.678 container.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc 11 tháng năm 2021 đạt hơn 11,3 tỷ USD tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020, nhập khẩu đạt 2,85 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ 2020.