Xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài của đơn vị chức năng tại tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa chuyển biến tích cực. Nguyên nhân là do lực lượng điều tra xác minh hạn chế về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm trong điều tra, đấu tranh với đối tượng vi phạm; phối hợp giữa các lực lượng có liên quan chưa chặt chẽ, cung cấp chứng cứ còn yếu, khó xử lý.
Nhiều chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm cố tình trốn tránh trách nhiệm, quanh co không thừa nhận, xóa bỏ nhật ký hành trình trên các trang thiết bị hàng hải, tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình để chịu xử phạt hành vi khác... Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn nhiều bất cập và hạn chế. Phần lớn các trường hợp vi phạm bị xử lý chưa nộp tiền phạt theo quy định.
Thời gian tới, tỉnh yêu cầu Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tìm giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả điều tra, xác minh, tham mưu xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, chú trọng phối hợp với Công an tỉnh tập huấn nâng cao trình độ điều tra, xác minh cho cán bộ, chiến sĩ tham gia điều tra, xác minh; tăng thêm cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ này.
Qua theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, cơ quan chức năng đã phát hiện 236 trường hợp tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; hơn 2.000 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, chiếm 55,5% số tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Nguyên nhân chủ yếu là do thuyền trưởng chưa quen sử dụng thiết bị, chưa nhận biết cảnh báo của thiết bị khi tàu cá vượt biên giới trên biển; lỗi của phần mềm hệ thống không phát cảnh báo khi tàu cá vượt biên giới biển; mất kết nối do lỗi kỹ thuật của thiết bị mà nhà mạng không xác định được nguyên nhân; nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ do ngư dân không đóng hoặc trễ hạn đóng phí thuê bao; một số trường hợp thuyền trưởng cố tình vô hiệu hóa hoạt động của thiết bị khi hoạt động trên biển; chủ tàu cố tình để thiết bị trên bờ và vô hiệu hóa thiết bị, sau đó tìm cách đưa tàu ra biển hoạt động...
Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã làm việc với 149 trường hợp tàu vượt ranh giới biển và mất tín hiệu trên biển quá 10 ngày, xử phạt vi phạm hành chính 89 trường hợp với số tiền 1,65 tỷ đồng cho các hành vi vi phạm như: không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng...
Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước vẫn thiếu kiên quyết trong kiểm tra, giám sát, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính liên quan đến thiết bị giám sát hành trình.
Do đó, tỉnh sẽ thành lập đoàn thanh tra về nội dung liên quan đến lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá để có cơ sở xử lý, đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn; ban hành quy chế quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý thông tin, dữ liệu hệ thống giám sát hành trình tàu cá của tỉnh. Qua đó, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan để phối hợp thực hiện nhiệm vụ tốt hơn đối với lĩnh vực thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Ngành chức năng cũng đẩy mạnh điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tổ chức đường dây môi giới đưa tàu cá và ngư dân khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài với tinh thần kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác IUU trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh, tỉnh sẽ bố trí đủ nguồn lực, nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ cũng như kinh phí phục vụ việc chống khai thác IUU. Ngành chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng trong khâu lập hồ sơ xử lý vi phạm phải đảm bảo đầy đủ thủ tục, chặt chẽ.
Tỉnh Kiên Giang chú trọng việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 24/6/2021 về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ở vùng biển nước ngoài, .
Theo đó, ông Lâm Minh Thành yêu cầu các huyện, thành phố, nhất là địa phương ven biển phải phối hợp với các cơ quan liên quan, tiến hành rà soát, lập danh sách đầy đủ đối tượng làm nghề khai thác thủy sản trên địa bàn quản lý để giám sát chặt chẽ; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức sâu rộng trong cộng đồng; vận động chủ tàu cá và ngư dân không vi phạm đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.