Đáng chú ý, có khoảng 1.538 ha bị thiệt hại do sốc môi trường; trong đó, riêng tháng 5, có hơn 1.330 ha bị thiệt hại.
Theo đó, nắng nóng gay gắt, độ mặn và nhiệt độ cao, biên độ dao động độ pH lớn trong ngày lớn đã gây bất lợi, ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Cùng với đó, nhiều vùng sản xuất đã xuất hiện mưa trái mùa vào buổi chiều tối làm biến động đột ngột các yếu tố môi trường trong ao, gây sốc cho tôm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển gây thiệt hại tôm nuôi.
Trên địa bàn tỉnh đang vào đầu mùa mưa với nhiều những cơn mưa lớn, kéo dài có thể gây biến động bất lợi tới các yếu tố môi trường trong ao, cảnh báo nguy cơ xảy ra thiệt hại vùng nuôi tôm trong thời gian tới rất cao.
Để bảo vệ vùng nuôi tôm, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang đã cấp 27.820 kg hóa chất sát trùng chlorine cho hơn 100 hộ nuôi để khử trùng; khuyến cáo người nuôi tôm cập nhật kết quả quan trắc, cảnh bảo môi trường của ngành chức năng về chất lượng nước để lấy nước có chất lượng tốt vào ao nuôi.
Ngành thủy sản cũng phối hợp với các địa phương vùng nuôi tôm tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến ngư; hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi tôm, phòng trừ dịch bệnh gây hại theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.
Mặt khác, kiểm tra, kiểm soát chặt tình hình nuôi tôm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh những dấu hiệu bất thường; kiểm tra các yếu tố môi trường để điều chỉnh cho thích hợp cũng như hỗ trợ hóa chất xử lý triệt để các ổ bệnh dịch, không để lây lan trên diện rộng.
Về phía ngành chức năng duy trì thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường định kỳ tại các điểm cấp nước đầu nguồn cho các vùng nuôi tôm để khuyến cáo, cảnh báo giúp nông dân chủ động sản xuất.
5 tháng đầu năm nay, tỉnh Kiên Giang thả tôm nuôi nước lợ trên 127.000 ha, đạt hơn 93% kế hoạch, gồm: nuôi công nghiệp, quảng canh - quảng canh cải tiến và tôm - lúa. Đến nay, sản lượng thu hoạch hơn 36.850 tấn, đạt 37,6% kế hoạch, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.