Do vậy, việc chủ động phòng chống xâm nhập của dịch bệnh nguy hiểm này đang được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá tiến hành khẩn trương, nghiêm túc.
Tại Trạm Kiểm dịch động vật và thuỷ sản Tĩnh Gia (Thanh Hóa), mỗi ngày có hàng chục xe vận chuyển gia súc, gia cầm từ Bắc vào Nam và ngược lại. Do vậy, việc kiểm soát chặt luôn được lực lượng chức năng đặt lên hàng đầu.
Quy trình kiểm dịch cụ thể gồm: kiểm tra số lượng, chủng loại lợn và sản phẩm từ lợn theo giấy chứng nhận kiểm dịch; mã số, dấu, tem vệ sinh thú y, dấu niêm phong, kẹp chì phương tiện vận chuyển; tình trạng sức khỏe lợn; quy trình vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển… đều được thực hiện nghiêm túc. Qua đó, loại bỏ cao nhất khả năng lợn lậu, lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có dấu hiệu dịch bệnh lưu thông qua địa bàn Thanh Hoá.
Ông Lê Văn Kiên - Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Kiểm dịch động vật và thuỷ sản Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết, Trạm đã tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện vi phạm; duy trì trực 24/24, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các huyện để giám sát các xe chở lợn có hành trình đi qua các huyện. Do cả 4 tỉnh giáp ranh Thanh Hoá đã tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa phương rất lớn.
Qua hơn 3 tháng khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi, một bộ phận người nuôi, thậm chí là chính quyền một số địa phương xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Do vậy, ngoài việc tăng cường giám sát hoạt động vận chuyển, người chăn nuôi và cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh của cơ quan thú y, đặc biệt là quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Trong thời điểm hiện nay, đây vẫn được xem là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất.
Ông Lương Xuân Vũ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá cho biết, để chủ động ngăn ngừa, phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, trưởng trạm kiểm dịch, cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn vào địa bàn tỉnh. Từ đó, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hiện tất cả các trạm kiểm dịch động vật của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá đều thực hiện việc liên kết thông tin, nhằm kiểm soát chặt chẽ hành trình của phương tiện, hạn chế tối đa tình trạng vận chuyển lậu lợn giống, lợn thương phẩm vào địa bàn. Bên cạnh đó, các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất cần thiết cũng được bổ sung, sẵn sàng phục vụ phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 104 hộ của 43 thôn, 26 xã của 6 huyện của tỉnh. Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy 2.355 con lợn với tổng trọng lượng 134.665 kg. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc khoanh vùng, dập dịch, sau hơn 2 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiền tại xã Định Long (ngày 23/2), đến ngày 13/3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không còn bệnh dịch tả lợn châu Phi…