Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân mua bán, vận chuyển lợn giống, phương tiện, dụng cụ (xe máy, lồng nhốt lợn con) nhiễm mầm bệnh từ các địa phương khác về làm phát sinh dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp cách ly an, toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện phối giống lợn trực tiếp để mầm bệnh nhiễm vào đàn lợn của hộ, cơ sở đang nuôi.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan thông qua vận chuyển, giết mổ lợn (lợn giống, lợn thịt), ngành nông nghiệp Lào Cai vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đình chỉ hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn đối với xã đã công bố dịch (trong thời gian chưa công bố hết dịch); nghiêm cấm vận chuyển lợn con, lợn giống, lợn thịt ra, vào vùng bị dịch, vùng bị dịch uy hiếp; tạm dừng việc phối giống trực tiếp cho lợn.
Đối với trường hợp cơ sở đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” hoặc kết quả mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi được phép vận chuyển, tiêu thụ trên địa bàn cấp huyện.
Đối với các xã, phường, thị trấn chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp yêu cầu các cơ quan chức năng tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động thực hiện triệt để biện pháp phòng, chống; thực hiện kê khai nguồn gốc, không mua bán, giết mổ vận chuyển lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc…
Trước mắt, UBND tỉnh Lào Cai đã cho thành lập chốt kiểm soát liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn trên Quốc lộ 279 tại Km 110 thuộc thôn Nà Bay, xã Làng Giàng huyện Văn Bàn - địa bàn tái phát dịch đầu tiên của Lào Cai.
Chốt này được phép hạ cần barie 24/24 giờ để tạm dừng các phương tiện tham gia giao thông; tiến hành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, lợn và sản phẩm của lợn ra, vào địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy trình pháp luật quy định; phun hóa chất khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và xe chở thức ăn chăn nuôi vào địa bàn; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về thú y...
Trong tháng 5, các hộ chăn nuôi ở Lào Cai tái đàn được 9.055 con, lũy kế đạt 385.950 con, bằng 80,4% tổng đàn lợn trước khi có dịch.
Còn tại tỉnh Cao Bằng, theo số liệu từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Trồng trọt tỉnh Cao Bằng, từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 11 hộ chăn nuôi của 10 xóm thuộc 9 xã ở các huyện như: Trùng Khánh, Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hòa An. 11 hộ dân này đã buộc phải tiêu hủy 78 con lợn với trọng lượng trên 2 tấn.
Theo ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Trồng trọt tỉnh Cao Bằng, từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã có 208 con lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng trên 7 tấn; trong đó, một số huyện phải tiêu hủy số lợn bị mặc bệnh dịch tả châu Phi với số lượng tương đối lớn như huyện Bảo Lạc tiêu hủy 38 con (1,4 tấn), Bảo Lâm tiêu hủy 78 con (1,8 tấn)...
Việc phòng, chống dịch đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện đúng theo quy định. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Trồng trọt tỉnh Cao Bằng yêu cầu các xã, trại chăn nuôi chưa có dịch bệnh phát sinh, chăn nuôi phát triển đàn lợn theo kế hoạch.
Các địa phương có dịch bệnh đã qua 30 ngày bắt buộc thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc đáp ứng yêu cầu nhập con giống vào nuôi, thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Cùng với đó, xây dựng vùng, xã, thôn xóm kiểu mẫu chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các vùng giống để chủ động sản xuất, cung cấp con giống cho người chăn nuôi tái đàn, sản xuất....
Dự kiến trong những tháng cuối năm, tỉnh Cao Bằng sẽ chi khoảng 4 tỷ đồng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi mua lợn nái giống, hỗ trợ công tác thụ tinh nhân tạo lợn đối với chăn nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi vừa mới tái phát đã lan rộng ra nhiều xã, thị trấn của tỉnh Lào Cai ảnh hưởng việc tái đàn lợn, gây áp lực lên việc cung ứng thực phẩm trong hoàn cảnh phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương này.
Cơ quan chức năng địa phương đang khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nhằm khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh trong đó chú trọng tăng cường siết chặt hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn thịt, lợn giống, lợn đực giống trên địa bàn tỉnh Lào Cai.