Một lãnh đạo của tổ chức tín dụng (TCTD) từng than phiền về cách làm “lấy ngắn nuôi dài” của một số “ông lớn nhà nước” khi thi nhau rót vốn vào giao thông. Đơn cử: Đối với một dự án 10.000 tỷ đồng, chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng yêu cầu là nguồn vốn chủ sở hữu và 8.000 tỷ đồng là vay nợ từ các ngân hàng. Tổng vốn đầu tư của từng dự án BOT, BT thường rất cao.
Trước tình hình này, NHNN đã yêu cầu các TCTD có tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực này cao phải giám sát chặt và chịu trách nhiệm. Đồng thời, buộc dừng ngay những dự án cho vay vượt thẩm quyền. “Hiện các dự án cho vay BOT rút xuống còn 10 - 15 năm. Thời gian giảm, dòng tiền chảy vào cũng giảm. Tính đến nay, ước khoảng 90.000 tỷ đã rót vào các dự án BT và BOT. Tất nhiên, nếu so với 5 triệu tỷ đồng đi vào nền kinh tế đây không phải là con số quá lớn”, một cán bộ của NHNN nhấn mạnh.
“Các TCTD cần nâng cao năng lực thẩm định, đánh giá sàng lọc các dự án, lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp. Kiên quyết không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay vốn, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo”, TS Phạm Thanh Thủy, Học viện Ngân hàng nói.
Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Đây là nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng đầu tư thực hiện các dự án BOT, BT xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Để nâng cao vai trò cho vay của TCTD, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các ngân hàng phải đề ra một hạn mức khi tham gia vào dự án BOT, BT và phải lưu tâm tới quản trị rủi ro một cách chặt chẽ. Bởi rủi ro trước hết là vấn đề chênh lệch cơ cấu kỳ hạn, ảnh hưởng tới thanh khoản. Nguồn vốn của ngân hàng hiện nay trên 60% là kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong khi cho vay các dự án BOT, BT đa phần đều là những dự án đầu tư dài hạn. Đó là chưa kể trong quá trình triển khai, chi phí vốn phát sinh của dự án có thể đẩy lên sẽ khiến ngân hàng lâm vào tình trạng “cho vay tiếp thì vốn đổ vào quá lớn mà dừng thì khó cho ngân hàng và doanh nghiệp”.
Việc đánh giá, kiểm định chủ đầu tư, theo chuyên gia Trí Hiếu là vấn đề cốt lõi. Với những chủ đầu tư có thành tích tốt, đã xây dựng được các công trình cơ sở hạ tầng khác đúng thời gian, chi phí được kiểm soát, ngân hàng có thể giám sát tiến độ dự án... Như vậy mới có cơ sở để đánh giá cho sự thành công của dự án trong tương lai.
Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay các dự án BOT, các nhà đầu tư dự án BOT cần tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu, giảm hệ số nợ, tăng cường mức độ lập về tài chính, rút ngắn được thời gian hoàn vốn dự án đầu tư. Đặc biệt, cần hoàn thiện quy trình lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để tham gia dự án; nâng cao vai trò Ủy ban quản lý rủi ro, Ủy ban kiểm toán, ban kiểm soát trong kiểm soát nội bộ của hoạt động ngân hàng.
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, phía TCTD nên chọn lọc chủ đầu tư, chọn dự án có khả năng thu hồi vốn tốt và đặc biệt là những dự án mà ngân hàng có thể giám sát được tiến độ của dự án đó, tránh hiện tượng không kiểm soát được dòng tiền, tiền của gói thầu này bị chuyển sang sử dụng cho gói thầu khác. Nhất thiết cần thẩm định kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ xem xét cho vay đối với các dự án có năng lực tài chính thực sự, đảm bảo có đủ vốn tự có, tham gia các dự án theo quy định của pháp luật.
Dựa trên các số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, các chuyên gia kinh tế tính toán: Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thiếu khoảng 90% lượng vốn, tương đương 900.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nếu Chính phủ không nhanh chóng triển khai các giải pháp khác như đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)… thì rủi ro cho nền kinh tế và đặc biệt là hệ thống ngân hàng là rất lớn. |