Kiểm soát chất lượng rau quả nhập khẩu, khó nhưng phải làm

Hàng năm, Việt Nam có mấy đợt xuất khẩu hàng hóa nông sản qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai mang tính thời vụ như: nhãn, vải quả vào tháng 5 đến tháng 8; sắn, chuối xanh tháng 10, 11... Ngược lại, dòng hàng hóa thuộc nhóm nông sản như rau xanh, bí đỏ, khoai tây, cam, quýt, táo, lê... từ Trung Quốc cứ quanh năm tuôn chảy qua biên giới vào Lào Cai, để rồi từ đây các loại hàng này theo các xe tải, xe khách tỏa đi các ngả vào sâu trong nội địa. Điều này cho thấy thông thương hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng sôi động, nhưng vấn đề cần bàn ở đây liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).



Ảnh minh họa. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Bà Trần Thị Lài ở phường Duyên Hải chuyên chạy hàng rau tươi từ chợ Thương Thành - Hà Khẩu (Trung Quốc) về Việt Nam cho biết: Mỗi ngày bà đi bình quân 2 xe rau, mỗi xe chừng 150 kg, nếu chịu khó dậy sớm đi từ khi mở cửa khẩu 7 giờ sáng, đến khi đóng cửa khẩu là 22 giờ đêm, bà Lài có thể đi được 4 chuyến với ngót nửa tấn rau, củ quả các loại. Đương nhiên, đó là vào thời điểm sức khỏe tốt hoặc có thêm sự trợ giúp của chồng con. Vị chi một triệu đồng vốn chạy chợ rau, mỗi ngày bà Lài lãi năm trăm ngàn đồng, một tháng đi chợ đều đặn có khoản tiền trên 10 triệu đồng. Bà Lài nói, đi chợ rau bằng xe đẩy bây giờ cuốn hút hơn đi đào vàng hay phụ xây thuê như trước đây. Một quyển sổ thông hành đối với những người buôn rau chỉ chưa đầy một tuần là đóng kín, phải thay quyển khác. Qua lại cửa khẩu nhiều lần, những người buôn hàng nông sản như bà Lài không chỉ quen bạn hàng bên Trung Quốc, mà còn quen luôn cả các chú kiểm tra ở cửa khẩu, nên việc qua lại cũng chóng vánh và đơn giản hơn rất nhiều.

Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, hàng ngày ngoài các xe tải chở rau, củ quả như bí, khoai tây, tỏi nhập theo khối lượng lớn, còn có hàng ngàn lượt xe thồ kiểu như của bà Lài qua cầu đến các đại lý bán hàng ở chợ, hoặc đóng thùng tỏa đi các bến xe khách chạy liên tỉnh, liên huyện vào sâu trong nội địa. Ở đây không gặp bất cứ sự kiểm tra nào, có chăng là sự phun qua loa một thứ hóa chất gọi là phòng dịch đối với xe tải trước khi vào đất Việt Nam. Còn hàng xe đẩy thì ùn ùn mà đi, họa hoằn chỉ kiểm tra chiếu lệ bằng cây sắt thủ công chọc tỉa của bộ phận gác cửa, nhằm phát hiện hàng cấm nhập lậu như pháo nổ, hoặc dao kiếm... vào Việt Nam. Ngoài cửa khẩu chính, còn một lượng lớn rau, củ quả vẫn đang hàng ngày nhập qua các lối mở dọc tuyến biên giới. Ước tính, hàng ngày có tới 300 tấn rau, củ quả qua cửa khẩu và các lối mở vào Việt Nam.

Trước đây, việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu có tới 5 cơ quan kiểm tra kiểm dịch, nay còn 3 cơ quan là: Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VIII và Chi cục kiểm dịch động vật Lào Cai. Hiện nay, việc kiểm tra ATVSTP đối với rau, củ, quả thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và giao cụ thể cho bên kiểm dịch cửa khẩu.

Theo người đứng đầu Chi cục Kiểm dịch vùng 8 cho biết: Hiện phần kiểm dịch vẫn được thực hiện như cũ, còn phần ATVSTP ở cửa khẩu nhằm kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ của nguồn hàng trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, nếu lô hàng nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, hoặc thuốc nằm ngoài danh mục sử dụng của Việt Nam hoặc các yếu tố về vi sinh vật, phía cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ báo trở lại cho phía cơ quan quản lý của nước ngoài, và từ đó các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng sẽ biết được mình đang vi phạm và sẽ bị ngừng xuất khẩu vào Việt Nam.

Tại cửa khẩu Hà Khẩu – Trung Quốc, chỉ có một cơ quan duy nhất là Cục Kiểm nghiệm - Kiểm dịch Hà Khẩu thực hiện tất cả các chức năng: Kiểm dịch y tế, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, thủy sản, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Do đó, mọi hàng hóa của Việt Nam khi nhập vào Trung Quốc đều phải được kiểm tra, nếu đủ tiêu chuẩn, thủ tục mới được phép nhập khẩu. Việc này phía Việt Nam chưa thực hiện được ngay, mà sau khi kiểm tra phải gửi mẫu về Hà Nội phân tích, xét nghiệm, nếu lô hàng nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng hoặc thuốc nằm ngoài danh mục sử dụng của Việt Nam... sau đó cơ quan quản lý của Việt Nam mới báo trở lại cho phía cơ quan quản lý của nước ngoài để phía bạn ngừng xuất khẩu vào Việt Nam, việc này mất ít nhất từ 3 đến 5 ngày.

Việc lập hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu cần được triển khai theo đúng thông lệ quốc tế. Vì Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do vậy hoạt động xuất nhập khẩu và quản lý chất lượng hàng hóa XNK đều phải tuân thủ các điều kiện theo quy định quốc tế, các điều kiện của WTO. Yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về kiểm tra chất lượng ATVSTP hàng hóa XNK nói chung và hàng hóa nhập khẩu nói riêng, phải được quan tâm thực hiện nghiêm, dịch vụ kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa XNK phải được cung cấp đầy đủ, thuận lợi. Đây là việc khó, nhưng không thể không làm vì mục tiêu ATVSATP và sức khỏe con người.



Lục Văn Toán

Thương hiệu nông sản Việt Nam - Hiểu mới bảo vệ được
Thương hiệu nông sản Việt Nam - Hiểu mới bảo vệ được

Hiểu quá trình xây dựng thương hiệu là cách tốt nhất để bảo vệ thương hiệu. Đây là khẳng định được các chuyên gia, các nhà quản lý nhấn mạnh… tại hội thảo “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam” được tổ chức gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN