Kiềm chế lạm phát, tăng thu, giảm chi ngân sách

Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2012 do Bộ Tài chính tổ chức cuối tuần qua có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh và rất nhiều đại biểu trung ương, địa phương. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như “cứu” thị trường chứng khoán… Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm là định hướng quản lý giá của Bộ Tài chính trong năm tới.

Giảm bội chi xuống dưới 4,8%

Phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách 2012 của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Ngành tài chính cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính ngân sách với mục tiêu là động viên các nguồn lực, đồng thời bổ sung sửa đổi hệ thống thuế theo hướng nuôi dưỡng, khuyến khích nguồn thu và mở rộng sản xuất.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN


Báo cáo thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết: Ước thực hiện thu ngân sách cả năm đạt 647.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% với thực hiện năm 2010.

Trong năm qua, Bộ Tài chính đã trình và được Chính phủ, Quốc hội chấp thuận miễn, giãn thuế cho doanh nghiệp (có khoảng 303.200 doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế với khoảng 6.900 tỷ đồng và tổng số thuế miễn, giảm khoảng 4.200 tỷ đồng). Để tăng cường việc thu thuế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế, hải quan phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, chống thất thu thuế, đấu tranh chống chuyển giá, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các khoản thu liên quan đến đất đai, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp trốn thuế, nợ đọng thuế.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, công tác điều hành chi NSNN ở các bộ, ngành đã được thực hiện theo hướng thắt chặt, vừa bám sát dự toán, vừa thực hành tiết kiệm. Năm 2011, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên đạt 3.857,7 tỷ đồng; sắp xếp lại vốn đầu tư với tổng số vốn đã thực hiện cắt giảm để điều chuyển cho các dự án khác cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nguồn vốn NSNN khoảng 5.556 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội như: Mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, cấp học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ đột xuất đối với người có thu nhập thấp và các hộ nghèo… Tổng kinh phí thực hiện đạt 84.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nói: “Mục tiêu năm 2012 là phấn đấu vượt mức dự toán NSNN, tập trung thực hiện các chính sách tài chính nhằm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả; đảm bảo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an ninh tài chính quốc gia trong tình hình mới”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp, trong giai đoạn đến năm 2015, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 33,5 – 35% GDP. Về thu NSNN, trong những năm tới sẽ điều chỉnh chính sách theo hướng giảm tỷ lệ động viên, tăng tích tụ cho doanh nghiệp, mục tiêu huy động vào NSNN từ thuế, phí giai đoạn 2011 – 2015 là 22 – 23% GDP. Quy mô thu NSNN năm 2015 bằng khoảng 2 lần so với năm 2010.

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2012, dự toán NSNN đã được xây dựng rất sát nhưng cần đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi tiêu để phấn đấu tăng thu, giảm mức bội chi xuống dưới 4,8%. Theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục rà soát để đốc thu thuế liên quan tới lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp. Năm 2012, Bộ Tài chính sẽ triển khai 2 luật thuế mới là: Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế bảo vệ môi trường để đảm bảo thu ngân sách. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương phải chủ động sắp xếp bố trí trong phạm vi dự toán đã giao để xử lý các nhiệm vụ phát sinh, không bổ sung ngân sách ngoài dự toán.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN