Kì họp thứ 5 HĐND TP Hồ Chí Minh: 'Nóng' chuyện giải cứu nông sản

Ngày 6/7, kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX bước sang ngày làm việc thứ 3 với phần chất vấn của các đại biểu với ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh.

Nhiều câu hỏi đặt ra cho ông Nguyễn Phước Trung, nhưng đáng chú ý nhất là nội dung xoay quanh câu chuyện “giải cứu” cho các sản phẩm nông nghiệp.


Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh là một trong những ngành chủ lực và khác với các tỉnh, thành khác, TP Hồ Chí Minh sẽ đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp với ứng dụng khoa học - công nghệ. Vậy sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các cơ quan khoa học khác như thế nào? Vừa qua dư luận nóng “giải cứu” những sản phầm nông nghiệp thì vai trò của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NNPTNT) thế nào để tránh tình trạng nông dân phải vất vả tiêu thụ sản phẩm của mình?


Trả lởi vấn đề này, ông Nguyễn Phước Trung cho biết, với mục tiêu từ 2016-2020, ngành nông nghiệp thành phố tăng 4,5%, giá trị sản xuất 1 ha là 300 triệu đồng, tăng trưởng nông nghiệp thời gian qua đã đạt trên 5%, giá trị sản xuất trên 1 ha là 410 triệu đồng (tăng 2,7 lần so với năm 2010), vượt chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, thành phố đã có nhiều quy hoạch, cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hành sản xuất tốt.

TP Hồ Chí Minh là địa phương tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp của thành phố và các tỉnh.

Theo ông Trung, vừa qua thành phố không chỉ giúp "giải cứu" lợn cho các tỉnh lân cận mà còn “giải cứu” nhiều nông sản khác như: vải thiều, chuối xanh, hành tím… Bởi TP Hồ Chí Minh là địa phương có đông dân cư, lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn. Không chỉ giúp tỉnh bạn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố để sản phẩm nông nghiệp không bị dư thừa, TP Hồ Chí Minh còn tổ chức các lớp tập huấn về môi trường khi nuôi lợn, tập huấn về thuốc bảo vệ thực vật cho những hộ trồng rau… để bà con sản xuất những sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Một khi có sản phẩm an toàn thì sẽ có đầu ra cho sản phẩm. Vì hiện nay, người dân đều hướng đến dùng sản phẩm "sạch" an toàn ngoài việc có chất lượng tốt, đồng thời Sở NNPTNN cũng đang  hướng bà con đến việc đem đi xuất khẩu.


"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có tổng đàn lợn khoảng 360.000 con, trong đó lợn thịt khoảng 200.000 con, bình quân cung ứng cho thị trường khoảng 1.000 con lợn thịt/ngày. Năng suất lợn đã tăng gấp đôi thông qua việc phối hợp với các viện, trường, ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, có một số sản phẩm khác từ áp dụng công nghệ cao như dưa lưới, cà chua bi, rau tăng lên 25 -20 tấn/ha/vụ, sản phẩm rau đã đáp ứng gần 25% nhu cầu của TP Hồ Chí Minh", ông Trung cho biết thêm.


Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, cho rằng sắp tới ngành nông nghiệp phải làm sao để đạt nhiều năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dịch nông nghiệp đúng hướng, thu nhập của người nông dân tăng lên. Ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, tăng thu nhập cho bà con và đặc biệt phải đảm bảo đầu ra cho bà con, tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu như trường hợp của thịt lợn vừa qua.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức
Bao giờ nông sản hết… ế?
Bao giờ nông sản hết… ế?

Từ đầu năm 2017 đến nay, có lẽ “giải cứu”, “nông sản ế”… là những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên các mặt báo cũng như vấn đề được tranh luận gay gắt ở kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN