Để nâng cao năng lực, chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, từ đó nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích tham gia nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất giống. Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát với phóng viên báo Tin Tức.
´Thưa Bộ trưởng, ngành giống đã hình thành được 15 năm, nhưng tại sao chúng ta vẫn phải nhập một số loại giống cây trồng, vật nuôi để sản xuất thương mại?
Thực tế, chúng ta vẫn phải nhập khẩu giống ở một số loại cây trồng, vật nuôi, không chỉ là giống gốc mà cả giống thương phẩm. Ví dụ, hiện nay, lúa lai, cá rô phi, nhuyễn thể... chúng ta vẫn phải nhập giống thương mại về để sản xuất. Điều này thể hiện sự yếu kém trong việc chọn tạo, tổ chức nhân giống của Việt Nam.
Trong thời gian qua, công tác sản xuất giống đã được quan tâm, Nhà nước cố gắng huy động các nguồn lực để chọn tạo ra các giống ngày càng tốt hơn, nhưng do năng lực của hệ thống nghiên cứu và nguồn lực có hạn, nên nhiều loại vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Ví dụ, giống lúa lai cho miền Bắc, tôm thẻ chân trắng... chưa có giống tốt, ngang bằng với thế giới.
´Để cải thiện tình trạng này, Bộ NN&PTNT sẽ làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
Chúng tôi sẽ tổ chức nghiên cứu, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất các loại giống, nhất là các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu theo đặt hàng, phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ, đối với cây lúa, không đặt vấn đề tăng năng suất mà chú trọng tăng chất lượng, độ bền vững của giống.
Chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhập các loại giống thương phẩm, chỉ được nhập trong 3 năm, sau đó phải tổ chức sản xuất ở trong nước. Để thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động sản xuất.
´Để cải thiện và nâng cao chất lượng giống trong nước, theo Bộ trưởng, cần làm gì để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia?
Bên cạnh việc khuyến khích các viện nghiên cứu của Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, chúng tôi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này, để nhanh chóng khắc phục, cải thiện và giảm nhập tới mức tối thiểu các loại giống thương phẩm.
Thời gian qua, Chính phủ đã có chương trình về giống, tuy nhiên sự hỗ trợ này mới tập trung vào các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước, còn một lực lượng rất tiềm năng là các doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, chủ trương của chúng tôi sắp tới là tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp này tham gia vào nghiên cứu, chọn tạo và sản xuất những loại giống có chất lượng cao hơn, cung cấp cho nhân dân. Khuyến khích họ tham gia mạnh mẽ hơn trong công tác giống. Đồng thời tiếp thu các công nghệ mới, chủ trương là nhập khẩu các giống đầu dòng để cải thiện chất lượng giống ở trong nước.
Chuyên đề này do Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu giống
Hữu Vinh