Nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi của người nông dân đang tăng nhanh chóng, nhưng ngành giống Việt Nam không đủ năng lực đáp ứng, nhiều loại giống phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Không ít các cơ sở kinh doanh, cá nhân đã lợi dụng sự thiếu hụt này để tung ra thị trường những loại giống kém chất lượng, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân. Mất mùa vì giốngHiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản... Tuy nhiên, điều khiến người nông dân băn khoăn là không biết chọn loại nào phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Tình trạng giống giả, giống kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng.
Thực tế, đã có không ít nông dân “ngậm đắng” khi mua nhầm phải giống giả, kém chất lượng, không phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Sử dụng các loại giống này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí là mất trắng.
Nuôi cá rô tại xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: CTV |
Tại xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có gần 150 hộ nuôi thủy sản với diện tích 70 ha, sản lượng cá đạt khoảng 700 tấn/năm. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi thủy sản phải đi mua giống ở nơi khác vì địa phương chưa có cơ sở sản xuất.
“Do nhập giống từ nơi khác, nhiều khi nông dân gặp cảnh ‘dở khóc dở cười’. Nhiều hộ mua cá chép lai Ấn Độ với giá 2.000 đồng/con, sau khi nuôi được vài tháng, đạt khoảng 200g/con mới "ngã ngửa" vì đó là giống cá chép tròn, năng suất thấp. Có hộ mua giống cá rô phi đơn tính, không đẻ được, nhưng sau một tháng nuôi, đàn cá đẻ đầy ao”, ông Hoàng Tiến Lộc - Chủ nhiệm HTX Đống Long, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết.
Tương tự, tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) là một trong những vùng nuôi thủy sản chủ lực cung cấp cho Hà Nội, ông Hoàng Văn Thắng, một nông dân chia sẻ: “Do lượng cá giống ở địa phương không đủ nên ông phải nhập từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh... tỷ lệ sống chỉ đạt 70%, gây thiệt hại cho người nuôi”.
Giống kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân, nhiều khi còn khiến họ “lao đao” vì mất trắng mùa màng.
Anh Nguyễn Văn Sơn (tại xã Dak Nuê, huyện Lak, Đắk Lắk) cho biết: “Đầu năm nay, gia đình anh và một số bà con trong xã gieo trồng giống ngô NK67 của một công ty nhập về từ Thái Lan, do Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang phân phối. Khi gieo trồng, cây sinh trưởng rất xanh tốt, nhưng bắp không có hạt, khiến hàng trăm hộ dân mất mùa nặng nề”.
“Hàng chục triệu đồng của tôi đổ xuống ruộng bắp mà gần như mất trắng. Đó là chưa kể tới công chăm sóc của chúng tôi”, anh Sơn cho biết.
Thiếu sự gắn kếtBà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng: “Tình trạng giống giả, giống kém chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng, gây thiệt hại cho người nông dân, đồng thời bóp méo thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. “Tỉ lệ sử dụng giống chất lượng trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 40%, ở đồng bằng sông Hồng là 60%, phần còn lại do nhân dân tự sản xuất. Nguồn giống cây lâm nghiệp thiếu về số lượng, chủng loại, chất lượng không cao. Thực tế, số lượng giống chất lượng di truyền cao chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu trồng rừng”, Bà Hồng, chia sẻ.
Trong chăn nuôi, việc sử dụng giống cũng rất lạc hậu. “Người dân sử dụng giống thương phẩm làm đàn bố mẹ khá phổ biến, ở lợn là 70 - 75%, gà xấp xỉ 60%, thủy cầm 15,7%... khiến năng suất thấp. Trong thủy sản cá rô phi mới đáp ứng được 70% con giống, nhuyễn thể đáp ứng được 50%.”, bà Hồng nói thêm.
Theo bà Hồng, mặc dù trong những năm qua số, lượng giống cây trồng, vật nuôi được cấp phép nhiều nhưng chất lượng và giá trị thương mại chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách về nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống chưa phát huy hết tiềm năng của toàn xã hội. Một số chính sách triển khai thiếu đồng bộ.
“Ví dụ Quyết định 846/QĐ - TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ của Bộ NN&PTNT chỉ áp dụng do các tổ chức khoa học thuộc bộ thực hiện, không đạt được kết quả như mong đợi. Quá trình chuyển giao giống thiếu sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu và đơn vị sản xuất giống” bà Hồng nói.
Thực tế, các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống hiện nay chủ yếu tập trung vào các cây trồng vật nuôi ngắn ngày, cây con dài ngày chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo và sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của ngành.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các viện nghiên cứu, công ty giống cây trồng phải cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới, tập trung vào những cây, con chủ lực, có lợi thế; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình:
Sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu giống của Nhà nước Hệ thống nghiên cứu và sản xuất giống cây trồng của chúng ta bị chắp vá giữa hai quá trình, từ nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển sang, không hoàn toàn kinh tế thị trường nhưng cũng không hoàn toàn là kinh tế kế hoạch hóa. Do vậy, ngành giống cần có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt từ khâu nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng ta phải xây dựng chiến lược, trước hết là hệ thống văn bản pháp luật. Vì thực tế, 10 năm nay, pháp lệnh giống cây trồng bị các luật doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ chi phối. Thứ hai, sắp xếp lại hệ thống nghiên cứu Nhà nước, như hiện nay có tới 61% giống là do các doanh nghiệp tự nghiên cứu. Do vậy, cần trích 10% lợi nhuận trước thuế để nghiên cứu khoa học, đồng thời không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, thực hiện nghiêm luật sở hữu trí tuệ, vì có nhà khoa học làm cả đời chỉ được 1 - 2 giống lúa, nếu không có luật sở hữu thì sẽ bị làm nhái, làm giả ngay lập tức. Phải bảo vệ bản quyền, kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm bản quyền, cung cấp giống kém chất lượng. Cuối cùng là công nghiệp hóa sản xuất giống, nâng cao chất lượng giống, quan tâm tới đội ngũ nghiên cứu, đào tạo quản lý, sử dụng và đãi ngộ đúng mức. Phải có chính sách phối hợp hệ thống từ các viện tới các doanh nghiệp, như thế sẽ không bị phân tán nguồn lực.
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn Việt - Úc, ngành thủy sản Việt Nam: Ưu tiên những lĩnh vực thế mạnh Tôm xuất khẩu là một trong những thế mạnh của Việt Nam, với vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu, doanh thu trên 3,8 tỷ USD/năm. Nhưng 7 năm qua, ngành này chưa có giống mới, chưa có các doanh nghiệp hàng đầu để khẳng định cạnh tranh trên trường quốc tế. Do vậy, Nhà nước cần tạo điều kiện để hình thành nhóm khoảng 8 - 10 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này, tạo ra các thương hiệu mạnh, người tiêu dùng nước ngoài tin tưởng. Thực tế, trước đây Thái Lan nằm trong 3 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, nhưng giờ đã nằm ngoài danh sách 10 nước xuất khẩu tôm hàng đầu vì dịch bệnh, giống kém... Do vậy, để ngành tôm phát triển cần tạo “sân chơi” lành mạnh thông qua hệ thống pháp lý, đưa ra các chuẩn mực theo nhu cầu thị trường. Ví dụ, yêu cầu về giống đạt chuẩn, để người tiêu dùng nước ngoài mua tôm Việt Nam yên tâm về chất lượng đồng đều. Có cơ chế để hỗ trợ DN giải quyết các vướng mắc về chính sách. |
Hữu Vinh