Mặt khác, doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ cũng như phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Trước đó, ngày 6/6/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến thiếu hụt nguồn cung tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời trong nước để phục vụ sản xuất điện mặt trời, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ.
Đáng lưu ý, Tổng thống Hoa Kỳ giao Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ xem xét có hành động phù hợp cho phép miễn thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và thuế chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (nếu có) đối với các sản phẩm tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á.
Cụ thể gồm Campuchia, Malaysia, Thái lan và Việt Nam với thời hạn là 24 tháng kể từ ngày tuyên bố hoặc đến khi tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, ngày 28/3/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ áp dụng cho Trung Quốc đối với các sản phẩm tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á nói trên. Hiện các mặt hàng này của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ 15,85% đến 238,95% và thuế chống trợ cấp từ 11,97% đến 15,24%.
Trong tuyên bố của Tổng thống Joe Biden có một số điểm các doanh nghiệp cần lưu ý rằng tuyên bố trên là chỉ đạo của Tổng thống Hoa Kỳ tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ sẽ phải tham vấn với Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng An ninh nội địa Hoa Kỳ về việc thực thi tuyên bố này.
Đặc biệt, Tổng thống Hoa Kỳ tái cam kết bảo vệ tính độc lập và toàn vẹn của các cuộc điều tra thương mại đang được tiến hành bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ và công nhân vai trò quan trọng của các cuộc điêu tra này trong việc củng cố nền kinh tế.
Vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á; trong đó, có Việt Nam vẫn đang được Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành và chưa có kết luận chính thức về vụ việc. Sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam hiện không bị Hoa Kỳ điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Ngoài ra, trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ có kết luận điều tra các sản phẩm tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh có khả năng được hoãn thi hành đến ngày 6 tháng 6 năm 2024 hoặc đến khi tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ (tùy theo thời điểm nào đến trước).
Việc hoãn thi hành (nếu có) chỉ là tạm thời. Mục tiêu ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ vẫn là thúc đẩy năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời trong nước nên nếu năng lực sản xuất pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ tăng lên, các biện pháp hạn chế đối với nhập khẩu sẽ được áp dụng.