Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định; đồng thời điều chỉnh phân cấp quản lý, khai thác phù hợp với quy định và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân. Các đơn vị tuyệt đối không giao cho tổ chức, cá nhân không có đủ năng lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi; kiểm tra, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương thi công sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa đảm bảo tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn.
UBND các huyện, thị xã có đập, hồ chứa, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sông Chu, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thuỷ lợi Bắc sông Mã thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra. Đối với hồ chứa có cửa van tràn xả lũ phải thường xuyên kiểm tra, vận hành thử cửa van và các thiết bị cơ khí bằng điện lưới và máy phát điện dự phòng.
Các đơn vị tổ chức kiểm định an toàn đập, hồ chứa thủy lợi định kỳ 5 năm để phát hiện ẩn họa, khuyết tật công trình; đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tài liệu khí tượng thuỷ văn và thay đổi về lưu vực đã được cập nhật; kiểm định đột xuất các đập, hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, làm cơ sở đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn.
Các đơn vị liên quan khẩn trương lập, điều chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; bố trí các điều kiện cần thiết để thực hiện phương án nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống mưa, lũ, hạn hán, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du đập. Các đơn vị căn cứ tin dự báo khí tượng thủy văn, số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, các thông tin liên quan để dự báo, vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế đáp ứng yêu cầu sử dụng nước, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập…
Theo Chi cục Thuỷ lợi Thanh Hoá, toàn tỉnh có 610 hồ chứa; trong đó có tới 397 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp (93 hồ có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ); 1.023 đập dâng, có tới 710 đập chưa được đầu tư tu sửa, nâng cấp. Nguyên nhân các hồ, đập xuống cấp là do đã xây dựng từ lâu, trong khi đó kinh phí để nâng cấp, sửa chữa hàng năm rất ít chỉ đủ để thực hiện cho quản lý, vận hành và sửa chữa, bảo dưỡng nhỏ, các hư hỏng lớn không có đủ kinh phí sửa chữa kịp thời, dẫn đến các công trình hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng…