Không để giá tăng bất hợp lý

Hai đợt tăng giá xăng thêm gần 3.600 đồng/lít từ sau Tết đến nay đã khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ truyền thống “nhấp nhổm” tăng giá theo. Tuy nhiên, việc tăng giá này chỉ là hành vi “té nước theo mưa” của các tiểu thương, chủ yếu xảy ra tại các chợ truyền thống.

Chợ tăng, siêu thị ghìm giá

Khảo sát của phóng viên tại các chợ trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào ngày 11/5 như chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình), Tân Định (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (quận 3)... cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm như rau củ quả, thịt gia súc, thủy sản... đã bắt đầu có dấu hiệu tăng nhiệt. Theo đó, thịt heo các loại tăng thêm 10.000 - 15.000 đồng/kg, thủy sản tăng trung bình khoảng 12.000 - 18.000 đồng/kg, rau củ quả từ Đà Lạt hoặc các tỉnh miền Tây tăng nhẹ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg... Các tiểu thương cho biết, nguyên nhân của đợt tăng giá này là do chi phí vận chuyển tăng.

Hàng hóa trong siêu thị chưa tăng giá do cước vận chuyển ít bị ảnh hưởng. Ảnh: Thu Hồng


Giá thực phẩm thiết yếu tại các chợ Hà Nội cũng rục rịch tăng nhẹ. Chị Nguyễn Thị Minh, thương lái bán buôn thịt lợn tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai) cho biết: “Thịt lợn tăng vài giá so với thời điểm trước tháng 5 chủ yếu do tâm lý các thương lái muốn bù vào chi phí tiền xăng. Giá thịt lợn khoảng 85.000 - 100.000 đồng/kg”. Ngoài ra, thịt gà, thịt bò, tăng nhẹ khoảng vài nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều tiểu thương, do việc điều chỉnh giá bán chưa đáng kể nên người tiêu dùng ít chú ý.

Khác với các chợ truyền thống, hầu hết hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị vẫn chưa có sự điều chỉnh giá, đặc biệt là nhóm các mặt hàng dễ chịu ảnh hưởng khi giá xăng tăng như rau xanh, củ quả, thịt gia cầm, gia súc... Theo đó, tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op TP Hồ Chí Minh, giá khoai tây Đà Lạt bán ra 10.500 đồng/kg, cà rốt 18.900 đồng/kg, dưa chuột 10.900 đồng/kg, củ sắn 4.900 đồng/kg, gà ta 89.000 đồng/kg, cá rô làm sạch 47.900 đồng/kg... Mức giá này không biến động so với tháng trước.

Nhằm ổn định giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã yêu cầu các sở tài chính địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trước hết là giá cước vận tải, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người, xi măng, thép xây dựng, thức ăn chăn nuôi; rà soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

Tại một số siêu thị khác ở Hà Nội như Fivimart Cầu Giấy, Big C Thăng Long, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá, rau xanh... chưa có biến động. Hầu hết các mặt hàng vẫn giữ nguyên giá. Số ít mặt hàng tăng hoặc giảm giá là theo mùa vụ hoặc lượng cung cấp cho thị trường.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết, mặc dù giá xăng tăng sẽ tác động đến giá cả tiêu dùng nhưng mỗi ngành hàng đều có độ trễ nhất định. Siêu thị sẽ kiểm soát hợp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến thời điểm này, Saigon Co.op vẫn chưa tăng giá bất kỳ mặt hàng nào theo giá xăng. “Sức mua không cao buộc các doanh nghiệp phải cùng nhau gồng mình giữ giá. Tuy nhiên, hàng hóa buộc phải tăng giá là điều khó tránh khỏi. Nếu giá nguyên liệu đầu vào và các yếu tố cấu thành giá sản phẩm khác có chuyển biến theo hướng tích cực thì áp lực tăng giá mới giảm”, ông Võ Hoàng Anh cho hay.

Theo phân tích của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bao giờ việc hàng hóa tăng theo giá xăng cũng có độ trễ. Những mặt hàng tồn và hàng cũ thì nhà cung cấp chưa thông báo tăng giá. Tuy nhiên, vừa rồi giá xăng tăng mạnh, cùng với việc giá điện cũng tăng, trong khi đó, sức cầu đang yếu. “Do đó, mặt hàng nào bán nhanh thì khả năng tăng mạnh, còn mặt hàng nào khó tiêu thụ hơn thì tăng chậm hoặc không tăng”, ông Phú nói.

Taxi sẽ tăng khoảng 500 đồng/km

Giá xăng dầu điều chỉnh tăng đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều tỏ ra thận trọng trong việc điều chỉnh giá cước. Theo một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu diesel chỉ tăng 710 đồng/lít nên không tác động nhiều đến doanh nghiệp vận tải chạy dầu.

“Sau đợt tăng giá dầu lần đầu tiên hồi đầu năm, chúng tôi đã không tăng giá cước vận tải hàng hóa. Vẫn biết khi giá dầu tăng thì áp lực chi phí sẽ tăng thêm nhưng còn nhiều yếu tố khác tác động như khả năng cạnh tranh, không thể tăng một cách tùy tiện. Đặc biệt, thời điểm này đang là giai đoạn thấp điểm của vận tải”, ông Vũ Hải Hưng, Giám đốc doanh nghiệp vận tải Vinh Phát cho biết.

Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định, việc tăng giá xăng vừa qua không ảnh hưởng nhiều vì đa phần là phương tiện sử dụng dầu. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, khẳng định: “Đến nay, tôi chưa nhận thông tin đề xuất tăng giá nào từ các đơn vị vận tải”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp taxi lại chịu nhiều ảnh hưởng của việc tăng giá xăng. Theo Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, hai đợt tăng giá với mức tăng gần 3.600 đồng/lít chắc chắn ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải taxi. Trước đây, khi giá xăng giảm, các hãng taxi tại TP Hồ Chí Minh đã giảm cước 3 lần. Do vậy, theo đại diện Hiệp hội, việc tăng giá theo giá xăng đang được xem xét. Dự kiến, mức tăng sẽ trên 500 đồng/km.

Đáng lo ngại, cùng với xu hướng tiếp tục tăng của xăng dầu, một số doanh nghiệp đang tính đến phương án... tăng giá gộp. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, mức tăng giá xăng ngày 5/5 gần 2.000 đồng/lít tương ứng với hơn 10% nên giá cước vận tải sẽ tăng tương ứng 4 - 5%. “Mức tăng giá của một số doanh nghiệp có thể cao hơn thế để đón đầu, thay vì tăng nhỏ giọt bởi mỗi lần doanh nghiệp muốn tăng giá xăng không phải là điều đơn giản”, ông Thanh cho hay.

Nhóm phóng viên
Tăng giá điện, xăng dầu đã được cân nhắc thận trọng
Tăng giá điện, xăng dầu đã được cân nhắc thận trọng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời một số vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong lĩnh vực Công Thương, bao gồm việc tăng giá điện, xăng dầu, việc nhập khẩu ô tô...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN