Theo các chuyên gia, việc giá xăng và giá điện tăng cùng thời điểm sẽ khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng thêm khó khăn. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể sẽ tăng trở lại.
CPI sẽ tăng trở lại
Một số ngành sản xuất, trong đó có ngành thép, sẽ chịu tác động mạnh do giá điện, giá xăng dầu tăng. Ảnh: Huy Hùng - TTXVn |
Từ ngày 11/3, giá xăng đã tăng 1.610 đồng/lít, chấm dứt đợt giảm giá liên tục từ ngày 7/7/2014 từ mức 25.640 đồng/lít xuống mức thấp kỷ lục 15.670 đồng/lít. Cùng với giá xăng, giá điện sẽ chính thức tăng 7,5% từ ngày 16/3 tới. Đó là chưa kể thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít từ ngày 1/5, khiến một số ý kiến lo ngại giá xăng có thể tiếp tục tăng.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu, điện, việc tăng giá là khó tránh khỏi. Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN) giải thích, nếu không tăng giá điện, năm 2015 tập đoàn này sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Còn các DN xăng dầu cũng lí giải, giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại và cao hơn nhiều so với thời điểm trước Tết. Theo đại diện SaigonPetro, nếu không tăng giá xăng, DN này phải chịu lỗ hơn 3.000 đồng/lít đối với xăng A92, lỗ 1.465 đồng/lít với dầu diesel, 1.407 đồng/lít dầu hỏa…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương bảo đảm việc tăng giá này không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,2% và kiểm soát lạm phát khoảng 5% theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại, CPI sẽ chịu tác động kép từ việc tăng giá xăng dầu và giá điện cùng một thời điểm do đây là những yếu tố đầu vào thiết yếu của hầu hết các ngành sản xuất. Thực tế, 4 tháng liên tiếp vừa qua (kể cả trong tháng Tết), CPI đã liên tục giảm. Song theo dự báo, trong tháng tới, CPI sẽ là một con số dương.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, khi giá điện tăng 7,5%, CPI sẽ tăng 0,26% với vòng 1 chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, giá điện tăng sẽ còn tác động mạnh tới vòng 2, là vòng gián tiếp ảnh hưởng (hàng hóa, sản phẩm dịch vụ). Mức tác động này sẽ lớn hơn con số 0,26%. Theo dự kiến, tổng mức ảnh hưởng cả năm của giá điện đối với CPI sẽ là khoảng 0,46%. Đây là mức tác động khá mạnh.
Theo ông Lâm, tác động của giá điện có độ trễ trong 1 tháng, vì tính trên sản lượng tiêu dùng điện tháng tới, do đó những tác động đối với CPI sẽ tập trung chủ yếu vào tháng sau. Bên cạnh đó, việc CPI giảm kéo dài thời gian qua chủ yếu là do giá xăng dầu giảm kỷ lục. Nay giá xăng đã tăng trở lại nên giá vận tải sẽ không giảm nữa, thậm chí tăng. Đồng thời, kéo theo giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo, tác động trực tiếp đến CPI khiến CPI tăng trở lại.
Hạn chế tác động tiêu cực
Trong nền kinh tế thị trường, việc giá xăng dầu, điện tăng giảm trong sự điều tiết của cơ quan chức năng là điều bình thường. Đồng thời với việc tăng giá thì Chính phủ vẫn sẽ có những biện pháp để đảm bảo tăng trưởng cũng như kiềm chế lạm phát. Ông Nguyễn Bích Lâm tin rằng, Chính phủ sẽ có chính sách hợp lý để kiểm soát lạm phát 5%. Do đó, sẽ tuỳ kịch bản để có các quyết định về giá hợp lý.
Về phía các DN, sau hàng loạt thông tin về việc tăng giá đầu vào, tâm trạng chung là khá lo lắng. Hầu hết DN đều nhanh chóng tìm cách thích ứng để việc tăng giá không tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Đại diện của Công ty Thép Việt cho biết, mỗi năm, tiền điện của công ty ước tính sẽ tăng thêm 55 tỷ đồng, ở mức 795 tỷ đồng. Nếu trước đây, sản xuất 1 tấn thép mất hơn 143.000 đồng thì tới đây sẽ mất khoảng 160.000 đồng. Các ngành khác như xi măng, nhựa cũng đều lo lắng về khoản chi phí tăng thêm do mức tiêu thụ điện ở mức cao, trên dưới 100 kWh/tấn sản phẩm, chiếm 5% trong giá thành sản xuất.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc tăng giá điện cũng có tác động tích cực là người dân sẽ tiết kiệm điện nhiều hơn. Tuy nhiên, khi tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh, ngành điện cũng phải minh bạch hơn, công tơ đếm được số điện theo giờ, làm rõ giờ nào bao nhiêu tiền để tính toán cho đúng. |
Cùng với việc giá xăng tăng, một số DN cho biết có thể sẽ tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, tăng giá chỉ là giải pháp cuối cùng. Bởi hiện nay, sức mua chưa tăng, nếu tăng giá có thể phản tác dụng. Theo các DN, phải cân nhắc rất kỹ, chờ nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển… có tăng hay không, đồng thời áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí đầu vào, chấp nhận giảm lợi nhuận, “cầm cự” giữ giá càng lâu càng tốt.
Không chỉ các DN mà người tiêu dùng cũng lo lắng. Bà Tôn Minh Hương (Văn Điển, Thanh Trì), công nhân một nhà máy, phàn nàn: “Người dân chúng tôi rất mừng vì giá xăng xuống thấp kéo dài từ trước đến sau Tết. Giá xăng tăng trở lại như vừa qua có thể chấp nhận được nhưng cùng lúc tăng cả giá điện thì quả là đáng lo. Gia đình tôi sẽ phải siết chặt lại chi tiêu hằng ngày”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng và giá điện tăng cùng thời điểm không chỉ ảnh hưởng nặng đến khối sản xuất mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng bởi chi tiêu sẽ phải cắt giảm. Do vậy, ông Long đề nghị các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt giá cả lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để tránh tình trạng các tiểu thương “té nước theo mưa” - điều thường thấy mỗi khi giá xăng, giá điện tăng - gây thêm khó khăn cho đời sống của người dân.
Hoàng Dương - Minh Phương