Khôi phục niềm tin từ nhà đầu tư
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Nếu không kịp thời có các giải pháp đồng bộ, rất khó đạt được mức tăng trưởng tín dụng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), có 2 lưu ý quan trọng là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, thị trường vẫn khá trầm lắng khi 2 tháng đầu năm, mới có 2.600 tỷ đồng TPDN được phát hành, chỉ bằng 9,3% cùng kỳ năm 2022.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch TPDN được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như: Hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...) cũng như nền tảng nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Cốt lõi của thị trường hiện vẫn là niềm tin. Niềm tin xuất phát từ 2 phần: Một là ở thị trường, vĩ mô ổn định; thứ hai là các khoản đầu tư của nhà đầu tư được bảo vệ, công bằng giữa các bên.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đề xuất: Để khơi thông thị trường vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để đầu tư, sản xuất và đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn, Nhà nước cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư; nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp.
“Cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN); hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo...; hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành, quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Rút gọn thủ tục hành chính
Từ đầu năm đến nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn do đơn hàng sụt giảm, trong đó có ngành mỹ nghệ chế biến gỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (TP) Hồ Chí Minh cho biết: Thực tế cho thấy, chỉ có 10% doanh nghiệp ngành mỹ nghệ chế biến gỗ còn 50% đơn hàng; có 50% doanh nghiệp còn 30 - 40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.
Riêng lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Minh chứng rõ nhất là thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài.
“Đa số các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đều mong các cơ quan quản lý, các bộ, ngành tháo gỡ kịp thời kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng... Trước mắt, cần hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% để các ngân hàng chia sẻ khó khăn với nền kinh tế; đồng thời hạ lãi suất cho vay. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm đối với các khoản vay trung và dài hạn”, ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.
Về chính sách đối với thị trường trái phiếu và tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Theo đó, các trái phiếu có tài sản đảm bảo và có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 12 tháng; trái phiếu có kỳ hạn 3 năm trở lên được gia hạn 18 tháng.
Theo bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh, ngành logictics đang có lợi nhuận thấp nhất nhưng vốn đầu tư, chi phí vận hành rất cao.
“Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thành phố cần có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu là tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước 2 tháng đầu năm 2023, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. nhập doanh nghiệp (TNDN), giảm 50% phí hạ tầng đường bộ, phí cảng biển. Về quy định phòng cháy chữa cháy cần xem xét lại, vì tiêu chí này đang cao hơn Mỹ; đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt phải tăng thêm 30%/tổng chí phí xây dựng”, bà Đặng Minh Phương kiến nghị.
Theo nhiều ý kiến doanh nghiệp, để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế VAT 8% cho các ngành kinh tế, thời hạn áp dụng hết năm 2023. Các loại thuế khác (thuế TNDN, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt...) cũng cần được xem xét miễn, giảm.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị các địa phương cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ. Hiện, các thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng khó khăn hơn trước do các cơ quan sợ trách nhiệm, cán bộ công chức không nhiệt tình công việc.
“Cùng với đó, các đơn vị cần tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp chủ quyền đất đai, nhà xưởng (thuê hoặc mua), hoàn công để doanh nghiệp, người dân có chủ quyền đất thế chấp vay ngân hàng đưa vào sản xuất kinh doanh. Kiến nghị TP Hồ Chí Minh xem xét việc cấp phép xây dựng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chấn chỉnh tình hình kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay vốn ngân hàng...”, ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất.