Khơi thông thị trường để giảm hàng tồn kho

Tồn kho của nhiều sản phẩm ở mức cao, một số ngành hoạt động cầm chừng do thiếu những đơn hàng lớn... Vì vậy ngày 9/7, chủ trì cuộc họp báo về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã khẳng định, trong 6 tháng cuối năm, cần có các biện pháp kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, khẩn trương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển.

 

Sản xuất công nghiệp tăng thấp do bí đầu ra


Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có sự chuyển biến theo chiều hướng cải thiện dần qua từng tháng (so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP ba tháng đầu năm tăng 4,1%, bốn tháng tăng 4,3%, năm tháng tăng 4,2%). Điều này cho thấy các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như: giảm thuế (giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối); giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đã bắt đầu có tác dụng... Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5%, tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011.

 

Đóng bao sản phẩm tại Nhà máy Đạm Cà Mau. Ảnh: Hà Thái - TTXVN

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sản xuất của ngành vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm, sức mua trên thị trường thấp; tồn kho của một số ngành còn nhiều... Có những thời điểm dù lương cơ bản tăng (từ tháng 5/2012) nhưng sức mua cũng không tăng, vì vậy tác động rất ít đến mặt bằng giá chung.


Tính đến hết tháng 5/2012, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng rau quả, thủy sản, bơ, sữa, thức ăn gia súc, đường và nhóm hàng mỹ phẩm, chất tẩy rửa... Nhóm ngành sản xuất bia, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ do vào mùa tiêu thụ nên chỉ số tiêu thụ của hai ngành này tăng lần lượt là 1,9% và 13% so với cùng kỳ năm 2011. Tình trạng chỉ số tiêu thụ giảm vẫn tập trung vào một số nhóm sản xuất như: giấy nhăn và bao bì giảm 28,5%, sản xuất xi măng giảm 9,9%, các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 25%, sản xuất sợi và dệt vải giảm 14,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,3%; sản xuất mô tô xe máy giảm 6,6%.


Tiêu thụ giảm trong khi lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước đã gây áp lực rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến 1/6/2012, lượng tồn kho của đồ uống không cồn tăng 23,8%, thuốc lá, thuốc lào tăng 41,4%; bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 25,7%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 8,7%...

 

Khơi thông thị trường để gỡ khó cho doanh nghiệp


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, nhiều doanh nghiệp ngành công thương phải hoạt động cầm chừng do gặp khó khăn về đầu ra. Do đó, phải tập trung tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất song vẫn còn những “rào cản” làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay giá rẻ, nhiều doanh nghiệp trong tình trạng không đủ điều kiện cho vay... đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra, gây lãng phí các nguồn lực huy động.

 

Công nhân vận hành hệ thống sản xuất chất tạo bọt cho bột giặt. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm là công nghiệp hỗ trợ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển với lãi suất thấp và linh hoạt trong việc xác định tài sản thế chấp khi vay vốn. Bộ Công Thương sẽ khẩn trương thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khơi thông thị trường trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần tiếp tục thực hiện sâu rộng để khuyến khích tiêu dùng hàng hóa trong nước, kích thích sản xuất phát triển và giảm nhập khẩu.


Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp khơi thông thị trường từ phía Nhà nước, theo ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp sản xuất cũng phải tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng việc củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất.


Bộ Công Thương dự báo trong 6 tháng cuối năm, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp sẽ khả quan hơn nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước bắt đầu có tác dụng như: Giảm lãi suất, thuế, ưu tiên và cho ứng vốn những dự án đã có kế hoạch, từng bước tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường... Do vậy, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến có triển vọng tăng cao hơn 6 tháng đầu năm.

 

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN