Khơi thông 'điểm nghẽn' dòng vốn

Nguồn vốn của hợp tác xã được ví như “dòng máu” để lưu thông các hoạt động cũng như phát triển, mở rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn về vốn lại đang là điểm nghẽn tại nhiều hợp tác xã hiện nay. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan quản lý sẽ giúp hợp tác xã thuận tiện tiếp cận nguồn vốn và tận dụng cơ hội để phát triển.

Chú thích ảnh
Thu hoạch dưa chuột baby tại Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Nhằm hỗ trợ khu vực hợp tác xã tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về nguồn vốn cho khu vực này như  Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đại diện Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì, thời gian qua, hầu hết hợp tác xã vay được vốn chủ yếu thông qua các nguồn Quỹ phát triển Hợp tác xã nhưng chỉ dừng lại ở hạn mức vay thấp. 

Trong khi đó, nhiều hợp tác xã có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện từ phía ngân hàng. Điều này khiến cho trên 80% số hợp tác xã phải vay trên thị trường phi chính thức và tín dụng "đen" với lãi suất cao. Đây cũng là lý do chính khiến nhiều hợp tác xã dù rất tiềm năng nhưng không phát triển mạnh được.

Tương tự, Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ và Thương mại Kim Chòi, tỉnh Lạng Sơn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hoa, cây cảnh. Với mong muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đã tìm đến nguồn vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, tài sản thế chấp của hợp tác xã không đảm bảo, chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục nên không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng. Do đó, hợp tác xã phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài với lãi suất gấp đôi. Đây cũng là nguyên nhân khiến hợp tác xã hoạt động ở mức cầm chừng và mong được tiếp cận với nguồn vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, sản phẩm gạo Ngọc Quang của Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang, tỉnh Khánh Hoà đã dần được thị trường đón nhận, góp phần mang lại lợi nhuận cho các thành viên hợp tác xã. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hợp tác xã đã tính đến việc mở rộng quy mô sản xuất giống lúa chất lượng cao và thu mua, tích trữ gạo của xã viên. 

Theo ông Lương Công Vân - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang, đây là bài toán khó của hợp tác xã trong tình hình hiện nay, bởi nguồn vốn do xã viên đóng góp rất ít, không đủ đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, hợp tác xã không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng do không có tài sản thế chấp.

Mặt khác, nguồn vay khác của hợp tác xã đều đang gặp rất nhiều khó khăn như nguồn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã. Dù đã giúp không ít hợp tác xã giải tỏa bài toán thiếu vốn nhưng theo các địa phương, nguồn vốn này chưa thể phân bổ đủ. Thậm chí, có tỉnh còn chưa thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nên nhiều hợp tác xã chưa thể “bấu víu” vào nguồn vốn này.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Xuân Phú, tỉnh Đồng Nai chỉ rõ, lãi suất hợp tác xã vay ngân hàng hiện nay là từ 10-11%/năm và với khoản vay hàng tỷ đồng, nguyên tiền lãi cũng là vấn đề không hề nhỏ. Không chỉ vậy, khi chăn nuôi bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, giá thức ăn lại tăng liên tục nên hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã rơi vào tình cảnh khó càng thêm khó.

Theo ông Phạm Công Bằng - Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam, chỉ có rất ít số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn của ngân hàng trong khi thực tế nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh rất lớn và cấp thiết để phát triển sản xuất kinh doanh.

Lý do bởi nhiều hợp tác xã  không có tài sản chung, thậm chí không có trụ sở nên phải lấy tài sản của một thành viên hợp tác xã để thế chấp. Thế nhưng, một số thành viên trong gia đình không đồng thuận nên việc vay vốn thế chấp của hợp tác xã gặp cản trở. Hơn nữa, hợp tác xã phải có dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả tuy vậy, qua quá trình khảo sát cho thấy các hợp tác xã đa phần hoạt động lỗ trên sổ sách kế toán.

Ngoài ra, Luật Hợp tác xã cũng nêu, khi hợp tác xã đầu tư phải nộp thuế VAT. Như vậy, nếu vay được vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hợp tác xã được hưởng lãi suất thấp hơn vài % nhưng lại phải nộp 10% thuế VAT nên nhiều hợp tác xã định  không vay nữa.

Để tháo gỡ những khó khăn mà các hợp tác xã gặp phải, đại diện Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì, thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan chức năng tạo điều kiện về vốn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo hướng giảm bớt các điều kiện được vay vốn. Ngoài ra, thêm cơ chế cho hợp tác xã được vay vốn lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay với sản xuất nông nghiệp dài tối thiểu từ 10 năm trở lên.

Cùng đó, thành viên hoặc hợp tác xã vay vốn ở ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để phục vụ sản xuất, ngành ngân hàng xem xét hỗ trợ lãi suất từ 3 năm trở lên để phần nào giảm bớt khó khăn cho thành viên và hợp tác xã.

Nhằm giải toả cơn khát về vốn cho hợp tác xã, từ năm 2020 đến nay, Liên minh Hợp tác xã Hải Dương đã hỗ trợ 29 hợp tác xã vay gần 70 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh và vốn từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. 

Ngoài 3 nguồn vốn trên, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hay quỹ của các ban, ngành, đoàn thể... Nhờ các nguồn vốn này mà hợp tác xã đã có thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. 

Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh V-Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương được vay gần 3,5 tỷ đồng từ nguồn Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Nhờ đó, hợp tác xã đã phối hợp Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương xây dựng cơ sở chế biến nông sản khép kín rộng 2.000 m2 phục vụ xuất khẩu. 

Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Nam Vũ, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã tiếp cận 2 nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh và Trung ương. Đến nay, hợp tác xã này đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm chủ lực và từng bước hiện thực hoá ý tưởng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm...

Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, tới đây hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản trị và tăng số lượng thành viên để khuyến khích góp vốn.

Bên cạnh đó, khi hợp tác xã tăng năng lực quản trị sẽ tạo thuận lợi cho kết nối chuỗi, giúp dễ dàng huy động nguồn lực như ứng vốn, vật tư từ doanh nghiệp phục vụ sản xuất hoặc thu hút, mời doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết. Việc này giúp hợp tác xã vay vốn từ doanh nghiệp và tạo độ tin cậy với tổ chức tín dụng. 

Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền phải thường xuyên nắm bắt tình hình thực trạng của hợp tác xã nhằm kịp thời đề xuất với cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã phát triển ổn định và hiệu quả.

Uyên Hương (TTXVN)
Hợp tác xã phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế hộ
Hợp tác xã phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế hộ

Nhờ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đến nay, nhiều mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đã phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế hộ, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo sự chuyển biến cho sản xuất, đời sống của bà con nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN