Hoạt động hiệu quả
Xuất phát từ thực tế muốn tăng thu nhập cho gia đình cũng như tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương, năm 2019, chị Nguyễn Thị Hằng, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê đã tiên phong cùng bảy gia đình khác thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ. Năm đầu thành lập, hợp tác xã đứng ra dồn đổi, tích tụ được gần 3 ha đất để trồng cây măng tây xanh.
Đến năm 2022, hợp tác xã đã thành công mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên gần 16 ha, đạt lợi nhuận hơn 1,1 tỉ đồng. Đến nay, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã xuất bán từ 1 - 2 tạ măng tây, với giá bán dao động từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/kg, mỗi ngày hợp tác xã thu về từ 10 - 12 triệu đồng.
Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn hẳn so với việc trồng lúa và cây hoa màu khác.
Hiện tại, sản phẩm măng tây của hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được phân phối cho các công ty xuất nhập khẩu nông sản, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau củ quả sạch tại một số tỉnh, thành phía bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng...
Các sản phẩm mì cải bó xôi, mì hoa thiên lý, mì gạo lứt, mì bí đỏ, mì rau ngót, mì nghệ của Hợp tác xã mỳ gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì không còn xa lạ với người tiêu dùng tại địa phương.
Hiện sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn của tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Nghệ An, Cà Mau, thành phố Hà nội, Tp. Hồ Chí Minh...
Ông Cao Đăng Duy, Giám đốc hợp tác xã mỳ gạo Hùng Lô cho biết, để có được thành công, hợp tác xã đã tập trung nghiên cứu và sản xuất các dòng sản phẩm mới, an toàn, sức khẻo cho người tiêu dùng.
Nguyên liệu rau đều được hợp tác xã tự sản xuất theo quy trình trồng rau hữu cơ trên diện tích 4 ha, rau được sấy lạnh tự động theo thời gian và nhiệt độ tùy chỉnh, quá trình sấy không làm sản phẩm bị nhiễm khuẩn, luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công nghệ bơm nhiệt rút ngắn thời gian sản xuất. Do đó, tiết kiệm được chi phí cho giá thành sản phẩm, tạo nên sản phẩm mì rau sạch chất lượng.
Sản lượng trung bình mỗi tháng sản xuất từ 5 - 6 tấn, với mức thu nhập ổn định trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Hợp tác xã nông thương Đất Tổ, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê lại thành công với ngành nghề làm bánh chưng, bánh dày, bánh trung thu … Nổi tiếng nhất là sản phẩm “Bánh chưng Đất Tổ” đây là một thương hiệu bánh hiếm hoi của tỉnh giữ lại được nguyên vẹn hương vị bánh chưng truyền thống, được truyền lại từ nhiều.
Theo ông Phạm Xuân Hiếu, Giám đốc hợp tác xã nông thương Đất Tổ cho biết, để người dân được thưởng thức hương vị bánh trưng đặc chưng của vùng đất Tổ, toàn bộ gạo nếp phục vụ sản xuất bánh là đặc sản gạo nếp gà gáy Mỹ Lung của huyện Yên Lập.
Thịt lợn được liên kết mua của Công ty An Tâm. Hiện mỗi tháng hợp tác xã sản xuất khoảng 4.000 cái bánh chưng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Vào các ngày lễ tết, hợp tác xã cũng tuyển thêm các lao động mùa vụ, cao điểm có lúc lên đến 40 - 50 người. Riêng dịp tết 2022, hợp tác xã tiêu thụ ra thị trường 42.000 cái bánh với giá bán từ 70.000 - 75.000 đồng/cái, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Với hương vị riêng biệt, thương hiệu “Bánh chưng đất Tổ” được UBND tỉnh Phú Thọ lựa chọn làm bánh chưng dâng lễ Giỗ Tổ Vua Hùng 10/3 hàng năm tại Đền Hùng. Hiện “Bánh chưng đất Tổ” đã được tiêu thụ trên gần 200 cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và các nước như Camphuchia, Singapore.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ, nhờ phát triển đa dạng các hình thức hợp tác, tăng cường tư vấn hỗ trợ dịch vụ cho thành viên; triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị, chuyển đổi số; đồng thời đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nhờ vậy những năm gần đây, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tăng nhanh cả số lượng và chất lượng. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ đã thành lập mới 50 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh lên 662 hợp tác xã. Doanh thu bình quân trên một hợp tác xã ước đạt 2,9 tỷ đồng/năm, tăng 310 triệu đồng so với năm 2021, thu hút hơn 100.000 thành viên tham gia, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 thành viên, người lao động; tạo việc làm thời vụ cho trên 52.000 lao động.
Đáng chú ý, toàn tỉnh đã có có 75 hợp tác xã đã triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị với 162 hợp tác xã có sản phẩm hàng hóa. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó, khu vực hợp tác xã có 46 hợp tác xã và 3 hợp tác xã, tổ hợp tác với 83 sản phẩm đạt OCOP (chiếm 59,8% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh); trong đó: 4 sao có 25 sản phẩm; 3 sao có 58 sản phẩm OCOP; giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng lên từ 10 - 15%. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Phú Thọ đã làm thay đổi tư duy, sản xuất của người dân; góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển
Tiếp tục phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2025. Mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 720 hợp tác xã, trên 1,55 nghìn tổ hợp tác, tốc độ tăng bình quân hợp tác xã khoảng 4,5%/năm, số lượng thành viên tăng bình quân 5%/năm đối với hợp tác xã và 10% đối với tổ hợp tác; lợi nhuận bình quân một hợp tác xã tăng 10%/năm, tổ hợp tác tăng bình quân 12%/năm; đảm bảo 60% số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ cho biết, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về kinh tế tập thể từ cấp tỉnh đến các hợp tác xã; phát huy vai trò “cầu nối” hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi; đồng thời đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường triển khai các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, liên minh hợp tác xã luôn bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình hoạt động, giúp các hợp tác xã củng cố tổ chức, xác định tư cách thành viên, phát huy nội lực, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa hợp tác xã với hợp tác xã gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương…
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, Phú Thọ sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác; trong đó, phát triển mạnh các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã thực hiện tốt vai trò tổ chức cho nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, kết nối với doanh nghiệp, các hộ dân để thực hiện việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển vững chắc; nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của hợp tác xã; đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho các thành viên hợp tác xã để tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tỉnh cũng khuyến khích tổ chức sáp nhập các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp quy mô nhỏ và doanh thu thấp, kém hiệu quả thành các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp quy mô lớn nhằm nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động cho các hợp tác xã; khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp tập trung đất đai, cơ sở hạ tầng, xây dựng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, tập trung đất đai, tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ; tạo điều kiện vốn vay để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành viên để phát triển sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế để các hợp tác xã có đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã tham gia dịch vụ môi trường, xây dựng và duy trì cảnh quan, môi trường nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.