Khởi sắc nông thôn mới vùng cao xứ Lạng - Bài 1: Đồng thuận từ 'ý Đảng, lòng dân'

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có nền nông nghiệp thuần túy với đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai rộng khắp, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đồng tình ủng hộ bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực và sáng tạo.

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn mới ở vùng cao Xứ Lạng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết phản ánh về nội dung trên với chủ đề "Khởi sắc nông thôn mới vùng cao Xứ Lạng".

Chú thích ảnh
Người dân chung sức bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng. Ảnh: baolangson.vn

Bài 1: Đồng thuận từ “ý Đảng, lòng dân”

Năm 2022, tỉnh Lạng Sơn có 85/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là thành quả của sự quyết tâm và nỗ lực sau hơn 10 năm chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở ở Lạng Sơn chung tay xây dựng và thực hiện; cuộc sống của người dân vùng nông thôn Lạng Sơn được cải thiện rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.

Những chủ trương lớn

Xác định rõ ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngay từ những ngày đầu triển khai, Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU (tháng 8/2011) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020; gần đây nhất là Đề án xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 (tháng 7/2022). Từ đó các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ phù hợp từng đơn vị, địa phương. Cấp tỉnh và 11 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới và thành lập Ban Phát triển thôn…

Để cụ thể hóa các bộ tiêu chí, văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định quy định về tiêu chí xã nông thôn mới, thôn nông thôn mới của tỉnh theo phân cấp; giao nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tập trung vào nội dung, chiều sâu chất lượng của Chương trình.

Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên áp dụng bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các nghị quyết, chương trình hành động với các nội dung quan trọng như phân bổ, lồng ghép vốn; số lượng dự án thực hiện đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù; ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025. 

Công tác tuyên truyền về nông thôn mới được các đơn vị lồng ghép qua các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các khu dân cư. Hưởng ứng phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, bình quân mỗi năm, các cấp, ngành, hội đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tuyên truyền lồng ghép về xây dựng nông thôn mới trên 100 cuộc với hơn 10.000 lượt người tham dự. Thông qua các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, gương điển hình tiên tiến, góp phần tạo được niềm tin, tính nêu gương và sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lương Trọng Quỳnh, hệ thống cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ bản đảm bảo kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt, các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Người dân hợp sức

Yên Thịnh là xã thuần nông vùng II của huyện Hữu Lũng; toàn xã có 1.090 hộ với 4.690 nhân khẩu, 4 dân tộc sinh sống gồm Kinh, Tày, Nùng, Dao, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Cách đây hơn 10 năm, Yên Thịnh bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với bao khó khăn, bộn bề. Thời điểm đó, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đường sá chủ yếu là đường đất đi lại khó khăn, điện, trường, trạm đầu tư chưa đảm bảo và cũng chưa có nhiều mô hình phát triển kinh tế thu nhập cao…

Được thụ hưởng Chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tích cực ủng hộ tham gia, xây dựng cảnh quan khu dân cư. Đến nay, tổng kinh phí đã thực hiện cho chương trình là trên 46,8 tỷ đồng, qua đó nâng cao tỷ lệ cứng hóa trục giao thông đường liên thôn đạt 86,67%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên đạt 96,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 9%... Năm 2021, xã đạt chuẩn nông thôn mới với 19/19 tiêu chí.

Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh Hoàng Trung Tá cho biết, việc địa phương đã đạt đầy đủ tiêu chí được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đã đem “luồng sinh khí mới” cho người dân trên địa bàn. Với thành công đó, bà con đang rất phấn khởi, tích cực phát triển sản xuất theo hướng xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị…

Còn tại Hồng Thái, một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều trở ngại như địa hình chia cắt, dân cư không tập trung, cơ sở hạ tầng còn yếu, môi trường chưa được đảm bảo… Song với sự vào cuộc tập trung, chỉ đạo sát sao, huy động nguồn lực của các cấp, ngành địa phương để hỗ trợ xã thực hiện các tiêu chí thì cuối năm 2020, Hồng Thái đã trở thành 1 trong 2 xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Bình Gia.

Chị Hoàng Thị Vi, người dân xã Hồng Thái phấn khởi cho hay: “Từ khi có Chương trình nông thôn mới, xã có nhiều công trình đảm bảo thiết thực cho người dân, phục vụ học tập cho trẻ nhỏ, bà con còn được hỗ trợ cây, con giống phát triển sản xuất... Người dân trong xã ai cũng vui mừng, phấn khởi vì đời sống ngày càng được cải thiện, nâng lên. Hy vọng thời gian tới, Đảng Nhà nước có thêm những hỗ trợ đầu tư nhiều các công trình xây dựng cho người dân vùng miền núi khó khăn”. (Còn tiếp)

Bài 2: Gỡ khó trong thực tiễn

Nguyễn Quang Duy (TTXVN)
Khởi sắc nông thôn mới vùng cao xứ Lạng - Bài cuối: Người dân là chủ thể
Khởi sắc nông thôn mới vùng cao xứ Lạng - Bài cuối: Người dân là chủ thể

Là địa phương có xuất phát điểm thấp, số xã đặc biệt khó khăn chiếm tỷ lệ cao, song với quan điểm xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, lấy người dân là chủ thể thụ hưởng cùng sự vào cuộc, đồng lòng của hệ thống chính trị và xã hội, Lạng Sơn đã thu được nhiều thành tựu ấn tượng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN